Nhớ tiếng chuông đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đi qua tuổi thơ tôi đọng lại nhiều thứ để nhớ. Có tiếng leng keng phát ra từ chiếc chuông đồng lắc tay thân thuộc, được dùng khá phổ biến làm tín hiệu nhận diện vài công việc, giao tiếp; xác định vị trí của loài gia súc trong đàn. Âm thanh ấy thuộc về đời sống nông thôn và đã biến mất khi nếp quê thay đổi, kinh tế nhà nông phát triển.
Chuông đồng lắc tay được chế tác từ hợp kim của đồng, thường chỉ to bằng nắm tay trẻ con, đầy đủ hình dáng chiếc chuông nhà chùa thu nhỏ. Nó cũng có hoa văn, đơn giản chỉ là những đường tròn đồng tâm nơi mép đáy, giữa thân và gần đỉnh chuông. Giữa đỉnh chuông có lỗ tròn nhỏ dùng để xuyên sợi dây mềm bền chắc, nối tay người cầm với viên bi chì đúc khối tròn (hay chiếc ốc vặn) thả rơi tự do giữa lòng chuông. Âm thanh được phát ra bởi sự va đập của viên bi vào lòng chuông. 
Thế hệ 7X trở về trước, sống ở nông thôn thường mang tuổi thơ nhọc nhằn cùng bao niềm vui đi vào câu chuyện kể, giữ làm kỷ niệm. Giữa ngày xôn xao nắng, bát ngát gió, mênh mông ruộng đồng, quây quần làng mạc văng vẳng tiếng leng keng trong ngần, khoan thai là biết có người bán cà rem đang đi vào xóm. Người bán dừng xe ở ngã ba đường, dưới bóng râm trung tâm xóm, tiếng chuông dập dồn thúc giục, mời gọi. Đám trẻ luống cuống chạy về nhà gom/lấy đồng tiền xu, tiền giấy nhàu nát chạy đến mua que kem thân trần mát lạnh, thơm lừng lấy ra từ chiếc thùng xốp đèo sau xe đạp, tỏa hơi nước mờ khi chiếc thùng vừa mở nắp. Những que kem sắc màu có tên cà rem đậu xanh, dứa, cà phê, sữa bởi được đính tí nguyên liệu, hương vị mà nó định danh. Những que kem tùy chọn, lạo xạo băng đá, ngòn ngọt, thơm thoảng mát lạnh. Đám trẻ chia nhau, chỉ dám đưa lưỡi liếm, cây kem tan dần, ngon ngọt tận chiếc que tre! Cuối ngày, trên đường về, tiếng leng keng ngắt quãng vô hồn là âm thanh chào mời những que kem nhũn mềm, chực vỡ “vừa bán, vừa cho”.
Leng keng, leng keng… Đó là âm thanh của người đàn ông bán kẹo kéo đựng trong chiếc hộp gỗ hình khối chữ nhật nhỏ gọn đèo sau xe đạp dẫn dụ trẻ con cái thời đất nước khó nghèo bởi vị ngọt của đường mía qua nhiều công đoạn chế biến lên màu trắng ngà; có vị béo, hương thơm từ những hạt đậu phộng rang giòn cháy sém, lẫn vị gừng tươi cay nhẹ, thơm thoảng mới hấp dẫn làm sao! Cũng chính cái âm thanh khoan nhặt, dập dồn cùng động tác kéo, giật như thể làm xiếc từ đôi tay người bán “chế tác” ra đoạn kẹo bọc giấy. Đám trẻ chúng tôi xúm lại quanh xe kẹo kéo, đứa cầm trên tay, đứa ăn dè sẻn, mắt ngời niềm vui! 
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Trẻ con ở thôn quê ngày ấy phần đông giống nhau ở cái sự nghèo. Để que kem, viên kẹo kéo đến được nơi đầu lưỡi, kẽ răng; tín hiệu âm thanh phát ra từ chiếc chuông lắc tay công bằng mang đến niềm vui sướng. Chúng tôi đã biết theo mẹ, theo chị ra đồng mót lúa rơi, lúa đổ mùa gặt mang về đạp vò, phơi phóng, giữ làm của riêng, đổi lấy quà vặt.
Bây giờ, âm thanh leng keng ấy đã biến mất cùng thức quà mà nó rao mời, bởi những tủ kem chất lượng vượt trội đặt nơi quầy tạp hóa đầu làng, cuối xóm. Quà bánh phong phú, dư thừa; bữa cơm đủ chất nên những viên kẹo kéo chẳng còn hấp dẫn cả với trẻ con sống vùng nông thôn. Bậc làm cha mẹ, người nhớ đến hương vị tuổi thơ tìm mua cũng không nhiều. Đi qua thời gian sức khỏe phản bội làm răng lay, lưỡi buốt, còn gì là ngon khi chạm vào thức quà ngày xưa chứ nói gì đến thưởng thức.
Ngày trước, nhà nông nuôi trâu, bò thả rông nơi gò hoang, bãi trống, đồng làng sau mùa gặt từ giữa buổi sáng đến cuối ngày. Tuy mỗi chuồng chỉ vài con nhưng cả xóm hợp lại cũng đủ thành đàn. Người chủ thường đeo vào cổ con gia súc đầu đàn chiếc chuông đồng để âm thanh phát ra theo mỗi bước chân của nó giúp cả đàn theo đó đi tìm thức ăn, về chuồng.
Nhà nông bây giờ phần nhiều chỉ nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo, thi thoảng mới lùa chúng ra bến sông đầm mình, tắm rửa nên vị trí con đầu đàn có chiếc chuông đồng đeo nơi cổ cũng thưa dần. Âm thanh leng keng, leng keng cùng “hồn vía” của nó vì thế mà lùi vào quá vãng. Nhớ sao một tiếng chuông đồng!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).