Gió bấc khôn nguôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những ngày tháng mười thật lạ. Giữa lành lạnh cơn bấc đầu mùa, trái tim như run rẩy bởi bao xao động ngân lên trong tiềm thức. Ký ức như ánh đèn tỏa quầng sáng ấm áp và diệu vợi trong đêm. Có một khoảng trời mà tôi đã gói ghém thật nhiều thương nhớ riêng dành cho mẹ. Để rồi khi đi qua bao đắng ngọt vui buồn, hình bóng mẹ vẫn lặng thầm lấp đầy những trống trải trong tôi. Dù biết mình thật nhỏ bé giữa thế gian bao la này nhưng tôi mãi là tất cả của mẹ.
Tháng mười, những khuya mất ngủ trời đầy sao, gió lang thang ngoài hiên gợi một nỗi riêng tư man mác, tôi thường nghĩ về mẹ. Sự tĩnh lặng của đêm như khỏa lấp mọi ngõ ngách trong tâm hồn. Đó là khi những sâu xa kín đáo từ bên trong được cất tiếng. Những nỗi buồn thổn thức như loài hoa nở về đêm ngây ngất một làn hương cũ. Đâu đó ngoài khóm lá mơ hồ vọng lại tiếng vỗ cánh của loài chim ăn đêm. Lòng tôi tự hỏi, cái lạnh đầu mùa có len vào giấc ngủ của mẹ, gió sương ngoài trời có làm mẹ thao thức bởi những tiếng kêu khớp rã rời-thanh âm của bao tháng ngày lặn lội áo cơm? Đêm của mẹ như dài thăm thẳm, là vì nỗi bận lòng về đứa con ở một phương trời khác hay bề bộn xót xa những thất bát mùa màng? Gió tràn hun hút qua cánh đồng, có phải tóc mẹ bạc dần từ những khuya lạnh gió trở chông chênh?
Tháng mười, tôi gặp lại mùa lau trắng trong những hình dung cũ. Một loài cây âm thầm bén rễ vào hoang vu, mong manh như một lời hẹn cuối. Gió thổi ngàn lau kể chuyện viễn du, giăng vào lòng người những tàn phai, xoáy buốt. Tôi nhớ dáng mẹ về giữa chạng vạng mưa dầm, ống quần bết ướt vương những cánh hoa lau. Nhớ ô cửa sổ trông ra vạt đồi bàng bạc lau trắng, giữa màn sương thanh mảnh như hơi thở của mùa. Mẹ thường ngồi lặng lẽ vá áo sau ô cửa ấy. Còn tôi, trầm tư bên mẹ nhìn ra mảnh trời lưng lửng bóng mây, mông lung mơ về những chân trời lạ. Tóc mẹ màu lau trắng, tóc tôi màu đêm đen, tôi đâu biết một ngày mình như cánh chim lạc lối, giữa xa xôi nhớ mẹ phải quay về. “Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”. Bóng mẹ nhòa vào hoàng hôn lấp lửng lưng đồi, gió vẫn ràn rạt thổi suốt mùa lau…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tháng mười, tôi ra trước hiên nhà trông theo những đàn chim di trú. Lặng lẽ và mải miết, cánh chim bạt gió mang theo những câu chuyện mùa màng qua bao vùng đất lạ. Tôi thường tự hỏi, đường xa mỏi cánh có làm đàn chim di trú nhớ một quãng đồng xanh, một vạt rừng thẳm từ nơi chúng đã bay đi? Chúng đến từ đâu và sẽ về đâu, cạm bẫy suốt dặm dài sương gió có làm cánh chim nào bị bỏ lại? Thế gian này, dù là những cuộc dứt mình ra đi hay xé gió quay về, thì đều ứa nghẹn bao niềm nỗi bể dâu.
Có những chiều tháng mười, tôi ngồi đợi một tiếng chim ngày cũ. Chưa bao giờ tôi thấy được hình dáng loài chim ấy, chỉ nhận ra một giọng hót như lạ như quen, vút lên bất chợt rồi cứ hoài lẻ loi, da diết. Những cái tên mà người đời đặt cho chúng cũng vô định theo giọng hót, có thể là “bắt cô trói cột”, cũng có thể là “chín cô bốn chục”, “năm trâu sáu cọc”… Tôi về bâng quơ hỏi mẹ, người lại nghe từ giọng hót đó một nỗi “thương con xót ruột”, giữa thăm thẳm rừng chiều. Ngày tôi khăn gói đi xa, những giấc mơ đôi khi sẩy ra khỏi chiếc lồng phố thị, trở về ngọn đồi sương khói tìm lại tiếng chim thuở nào. Mường tượng những ngày gian nhà chỉ có bóng mẹ, tháng mười hiu hiu cơn bấc, hẳn là tiếng chim đã hòa vào tiếng lòng của mẹ, nghe thấm thía khôn nguôi. “Thương con xót ruột!”, “thương con xót ruột!”, tiếng kêu sao day dứt vô cùng.
Tháng mười, rêu đã xanh dấu chân về ngõ nhỏ. Vẫn tiếng bò kêu ngơ ngác trong những chiều nắng nhạt, vạt rau đắng non mướt sau mưa. Vẫn buồng chuối vườn chín vàng quá nửa, ổ trứng tròn xoe bóng gà mẹ ôm nằm. Và thiên đường đôi khi chỉ là một chỗ ngồi bên mẹ, dẫu ngoài trời gió lạnh từng cơn.
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...