Thương nhớ quạt mo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày nóng, ngồi trong phòng mát rượi bởi máy điều hòa, nó chợt thấy nhớ và thương sao chiếc quạt mo ngày thơ dại. Chiếc quạt mộc mạc, dân dã ấy đã đưa chị em nó vào giấc ngủ thật ngon trong ngày hè oi ả suốt những năm tháng tuổi thơ.

Hồi nhỏ, nó rất thích được nhìn ông nội làm quạt mo cau. Ngồi xổm bên ông, một tay chống cằm, ngắm nghía tàu cau vừa rụng, vàng sậm, óng ả; rồi chăm chú dõi theo ông đang cẩn thận dùng dao sắc cắt những đường thật đều và gọn để có được chiếc quạt ưng ý. Loáng cái, quạt mo cau đã hoàn thành trong sự hào hứng của nó.

Tuổi thơ của chị em nó gắn liền với dèn dầu và quạt mo cau, bởi hồi ấy, chưa có điện. Không chỉ nhà nó, mà nhà nào ở quê nó cũng có quạt mo cau, vừa dùng để quạt mát, để quạt than nhóm bếp, thậm chí dùng tạo gió để các bà, các mẹ rê lúa…

Cho đến khi có điện rồi, nhiều nhà vẫn còn giữ quạt mo để phòng khi cúp điện, nhất là những nhà có trẻ nhỏ, người già thì càng không thể thiếu.

Ngày trước, nhà nào cũng làm từ 4-5 chiếc quạt mo cau, ở nhà nó cũng có đến 5 chiếc. Mẹ thường đặt chiếc quạt mo ở trên phản, đầu giường, kệ bếp. Khi chị em nó lớn lên một chút, mẹ đặt thêm chiếc quạt mo cau ở ngay góc học tập để đuổi muỗi ngày mưa và quạt mát ngày hè.

Như tên gọi, nguyên liệu để làm quạt là những tàu mo cau già, rụng xuống. Ở quê nó, gần như nhà nào cũng có một hàng cau thẳng tắp trước nhà, theo phong tục trồng trọt quanh vườn nhà "chuối sau, cau trước". Nhà ông nội nó cũng có một hàng cau cực đẹp ở trước sân, luôn sai quả. Những ngày rằm, ông nội thường hái trái cau cùng lá trầu cúng ông, bà.

 

 Hình ảnh chiếc quạt mo luôn gợi lên nhớ thương về tuổi thơ, về gia đình. Ảnh minh họa
Hình ảnh chiếc quạt mo luôn gợi lên nhớ thương về tuổi thơ, về gia đình. Ảnh minh họa


Ngày hè, những bẹ cau bắt đầu già, chuyển từ trắng xanh sang vàng rồi tự rụng. Chiều chiều, chị em nó hay ra nhặt mo cau để mang cho ông cắt thành những chiếc quạt dùng trong gia đình, nếu không hết thì xin ông để kéo ra sân vườn chơi trò kéo mo cau. Mấy chị em nó và cả thằng Tèo, thằng Tí hàng xóm cũng ghiền trò kéo mo cau lắm, luân phiên nhau đứa ngồi lên mo cau, đứa kéo đi khắp sân nhà. Chỉ vậy thôi mà cười vui váng cả xóm.

Làm quạt mo cau nói dễ là vậy, nhưng muốn có một cái quạt đẹp và bền cũng phải khéo léo và đúng “quy trình”. Người lớn ở quê nó ai cũng có thể làm quạt mo cau. Từ ông nội nó rồi sau này đến ba, mẹ nó, ai cũng khéo tay. Thời của ông nội, những chiếc quạt mo cau được làm chăm chút hơn. Sau khi nhặt những chiếc mo cau vừa rụng vào, ông chọn mo cau to nhất, đẹp nhất để làm quạt. Ông thường nói, tàu mo làm quạt tốt nhất là tàu mới lìa khỏi cây, còn tươi nguyên, có bẹ trắng nõn nà.

Sau khi ngắm nghía, ông cắt bỏ đầu lá khô đi, khéo léo, tỉ mẩn cắt tạo hình đến khi ưng ý, sau đó đem đi rửa cho sạch sẽ rồi phơi qua nắng vài ngày rồi đem ép xuống dưới gối giường nằm, cối giã, hoặc bất cứ chỗ nào có sức nặng để chiếc quạt mo phẳng lì, thẳng thớm.

Đến lúc này, quạt mo mới chính thức hoàn thiện. Trông rất đơn giản, mộc mạc như chính tên gọi của nó, nhưng độ dai và độ bền thì phải nói rất tuyệt, có khi xài cả năm cũng không bị hư.

Thích nhất với chị em nó, không chỉ được ngồi nhìn ông làm quạt mà còn được ông đọc cho nghe bài ca dao Thằng Bờm bằng một chất giọng nhấn nhá, hài hước: "Thằng Bờm có cái quạt mo/Phú ông xin đổi ba bò chín trâu/Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ Phú ông xin đổi một xâu cá mè/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè/ Phú ông xin đổi một bè gỗ lim/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/ Phú ông xin đổi con chim đồi mồi/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi/ Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười".

Trí óc non nớt của nó tha hồ mà tưởng tượng về giá trị của quạt mo. Và nó, với sự đồng tình của chị em mình, ngây thơ mà cho rằng, chiếc quạt mo cau của mình không thua kém gì chiếc quạt của Bờm vậy.

Những buổi trưa hè, bên chiếc võng đong đưa ngoài hiên nhà, mẹ vừa quạt vừa ru chị em nó ngủ. Tiếng ru của mẹ cùng làn gió hiu hiu từ chiếc quạt mo phát ra khiến mắt chị em nó ríu lại lúc nào không biết. Lớn hơn chút, nó lại thay mẹ để ru em. Mỗi khi em cựa mình, nó không quên lấy quạt mo cau quạt nhẹ.

Buổi tối, trời hè vẫn nóng hầm hập. Chị em nó nằm xếp cá mòi trên chiếc chõng tre, mẹ ngồi quạt và ru đến khuya. Khi có điện rồi, mẹ vẫn thường dùng quạt mo cau để quạt cho các em, vì có đứa bị viêm mũi, mẹ sợ nằm quạt điện hay bị đau đầu, đau mũi, đau họng.

Bây giờ, có cháu, mẹ lại dùng quạt mo cau để quạt cho chúng ngủ, mỗi dịp về nghỉ hè. Có lần nó về đúng dịp hè, buổi tối, nhìn mẹ ngồi quạt cho các cháu ngủ mà thấy nhớ sao cái cảnh ngày xưa, mẹ thức trắng đêm quạt cho chị em nó.

Thương mẹ, con gái bật quạt máy, ý muốn để mẹ nghỉ ngơi, nhưng chỉ được ít phút, nghe cháu ho nhẹ mấy tiếng, mẹ lại khẽ tắt máy quạt, ngồi phe phẩy chiếc quạt mo cau trong tay. Lâu lâu thằng bé cựa mình, mẹ vừa quạt, vừa gãi gãi lưng, cháu ngủ càng sâu giấc hơn.

Hôm qua, gọi về cho mẹ qua ứng dụng video call trên zalo, thấy đứa cháu nhỏ đang ráng cầm chiếc quạt mo trên tay, bập bẹ đọc theo lời bà khúc ca dao Thằng Bờm ngày xưa ông nội hay đọc cho chị em nó nghe, mà thấy yêu quá đỗi.

Mấy mươi năm trôi qua, hình ảnh chiếc quạt mo cau vẫn in đậm trong tâm trí, luôn gợi lên nhớ thương về tuổi thơ, về gia đình.

Và về mẹ!

Theo SÔNG CÔN (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.