Nỗi nhớ kơ nia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lần, qua Facebook, tôi đọc được thông tin anh Nguyễn Quang Huy (công tác tại HDBank) đang có chương trình tặng cây kơ nia cho các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trong lòng tôi nôn nao những cảm xúc và nỗi nhớ về những kỷ niệm với loài cây rất Tây Nguyên này.
Lần đầu tiên tôi được ngắm cây kơ nia vào năm 1994. Qua khu vực Đội 2 thuộc Nông trường Cà phê Ia Sao I, vừa lên khỏi con dốc, tôi ngỡ ngàng khi trước mắt là một cây cổ thụ cao với tán lá sum suê đứng sừng sững bên đường, giữa bạt ngàn cà phê xanh bát ngát. Dáng cây mạnh mẽ như một nét vẽ phác họa vào giữa bức tranh núi đồi cao nguyên. Chị tôi bảo: “Cây kơ nia đó em!”.
Tôi dừng lại, ngắm nhìn để cảm nhận sâu hơn những cảm xúc mà mình có được về một loài cây trong bài hát “Bóng cây kơ nia” do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác với lời thơ của Ngọc Anh. Tiếng lá rì rầm như một lời thủ thỉ trò chuyện từ ngàn xưa vọng lại, tiếng chim hót ríu ra ríu rít trên cao. Thỉnh thoảng, đàn chim cất cánh bay lên giữa không trung rồi lúc lại trở về chốn cũ.
Ra trường, về công tác ở Trường Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai, tôi có dịp đến các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Và mỗi lần đi tôi lại biết thêm nhiều nơi có cây kơ nia cổ thụ.
Nhớ có lần, một nhà văn từ phía Bắc vào và muốn được ngắm cây kơ nia, tôi được nhờ dẫn đường. Đến nơi, cây kơ nia đã không còn trọn vẹn như trước nữa, khi bị mất đi một nửa tán lá. Tôi đứng lặng một lúc vì tiếc nuối và không thôi hy vọng về những tàng lá mới sau này.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Trong chương trình Ngữ văn lớp 8 có văn bản “Hai cây phong” (trích trong tác phẩm “Người thầy đầu tiên” của C.Aitmatov). Mỗi lần dạy đến bài này, tôi lại cùng học trò liên tưởng đến những bóng cây kơ nia khi về làng. Bóng cây sừng sững, kiêu hãnh một mình trên những ngọn đồi lộng gió. Học trò cũng thích thú khi ở một đất nước xa xôi nào đó lại có những hình ảnh thân thương, gần gũi với quê hương mình đến vậy nên cảm nhận bài học cũng dễ dàng hơn, sâu sắc hơn.
Có lẽ vì vậy mà tôi và đồng nghiệp mỗi lần xuống làng lại nhặt hạt kơ nia về ươm giống để trồng trong khuôn viên trường. Nhưng đã bao lần rồi mà vẫn chưa thành công.
Hôm nay, dù đã xa cao nguyên nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ những cây kơ nia trên đất Ia Grai như cây ở đầu làng Kloong (xã Ia O) hay ở lối vào Nhà máy Thủy điện Sê San 4A… Và ngay cuối thị trấn Ia Kha (dốc cầu Ia Châm) cũng có 1 cây dáng rất đẹp. Cây kơ nia mọc ở sát đường và phía sau là không gian thoáng đãng của vườn cà phê nên bạn bè đến có thể ghé thăm, chụp ảnh.
Mới đây, cách nơi tôi sống và làm việc không xa lắm, cây kơ nia cũng đã được trồng tại Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II (TP. Hồ Chí Minh). Vậy là sau này, giữa đất Sài Gòn, tôi có thêm những lần được nhớ về “Bóng cây kơ nia” thân yêu!
NGUYỄN THỊ BÉ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.