Ký ức xe đạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã lâu rồi, tôi mới có dịp tự mình đạp xe chạy lòng vòng quanh những con đường gần nhà. Sau khi dạo một vòng quanh làng, tôi dừng lại ở một đoạn dốc, ngắm nhìn những cánh dã quỳ rung rinh vươn lên trong nắng mai, lắng nghe thanh âm ríu ran của bầy chim chào ngày mới. Không khí buổi sáng thật trong lành và dễ chịu. Xa xa, vài em nhỏ cũng đến trường bằng xe đạp. Khung cảnh như bức tranh tươi mới, thanh bình quá!
Ngày trước, nhà tôi có một chiếc xe đạp. Đó là chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, do ông ngoại tặng ba mẹ trong ngày cưới. Đó là tài sản quý giá nhất của gia đình tôi ngày ấy. Sau mỗi lần đi đâu về, ba tôi đều lấy khăn lau chùi cẩn thận. Thi thoảng, ba lại sang nhà bác Tư sửa xe cuối ngõ xin nhớt thải về tra vào xích líp hay mỗi lần đi qua đoạn đường gồ ghề nhiều sỏi đá lởm chởm, ba xuống xe dắt bộ. Ba bảo: “Phải cẩn thận thì của mới bền!”.
Tôi rất thích được ba chở đi học nhưng ba lại bận nhiều việc. Vì thế, thi thoảng tôi lại giả vờ kêu mệt, đau đầu để được ba chở đến trường. Tôi ngồi phía sau ôm ba, thủ thỉ với ba đủ thứ chuyện và nhất là mỗi khi ngang qua đám bạn cùng xóm đang đi bộ đến lớp, tôi thấy hãnh diện vô cùng.
Những dịp lễ, Tết, cả gia đình tôi đi chơi, thăm ông bà nội ngoại trên chiếc xe đạp Thống Nhất ấy. Mẹ ngồi sau ôm em trai, tôi ngồi trước ghi đông. Ba tôi chở. Quê tôi đất cát, mỗi lúc lên dốc thì ba phải lấy hết sức để đạp. Nhưng khi tôi hỏi: “Ba ơi, nặng không để con xuống!” thì ba gạt đi: “Không nặng, con cứ ngồi yên thế, xuống cát nóng chân!”.
Tôi nhớ nhất là hôm đám cưới con nhà bác Tư, trong xóm có bao nhiêu xe đạp đều tập hợp lại cho gia đình bác mượn để làm “dàn xe” rước dâu. Chiếc xe đạp nhà tôi thành “xe hoa”, được trang trí, cột dán mấy chùm hoa phía trước và sau, con trai bác Tư chở cô dâu của mình đi từ đầu làng đến cuối làng rồi mới rẽ vào nhà mình. Tụi trẻ con chúng tôi vừa chạy theo vỗ tay vui mừng.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Lớn lên một chút, ba cho tôi tập xe đạp, tôi rủ thằng San hàng xóm tập chung. Nó chạy đằng sau giữ, còn tôi một tay cầm tay lái, một tay níu ghi đông, một chân chọi đất, một chân đạp cà nhắc nửa vòng một, vài lần như thế thì nhấc cả hai chân lên đạp, khi thấy tôi đạp được vài ba vòng, thằng San phía sau thả tay, đẩy mạnh. Sau vài lần chui vào đụn rơm, nằm xoài ra bãi cát cả người lẫn xe... thì tôi đi được xe đạp.
Khi biết đi xe đạp, tôi được ba giao nhiệm vụ chở mẹ đi chợ vì mắt mẹ kém. Những buổi chợ của mẹ con tôi thường là mớ cá đồng, dăm bó chè xanh, vài quả na vườn… Để có những bữa chợ ấy thì đêm hôm trước, ba tôi phải đi giăng câu suốt đêm đến gần sáng.
Một lần đi giăng câu xa nhà, ai đó đã lấy mất chiếc xe đạp Thống Nhất của nhà tôi dù ba đã ngụy trang cẩn thận vào một gốc cây. Trưa đó, ba về và bảo: “Mất xe rồi!”. Mẹ tôi hốt hoảng với tay ba hỏi dồn: “Sao lại mất xe, để đâu mà mất?”. Tôi òa lên khóc, ba dỗ dành nhưng có lẽ người buồn nhất là ba, vì chiếc xe ấy với ba không những là tài sản của gia đình mà còn là món quà kỷ niệm quý của ông ngoại.
Bây giờ, khi cuộc sống khá hơn một chút, gia đình tôi mỗi người có riêng một chiếc xe để đi lại. Tôi cũng sắm cho mình một chiếc xe máy đắt tiền. Nhưng có lẽ chiếc xe đạp nam Thống Nhất của gia đình mãi là chiếc xe đẹp nhất, chất chứa bao kỷ niệm!
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.