Dã quỳ đã chơm chớm nụ vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 10, Phố núi đẫm mưa, phần vì năm nay mưa muộn, phần vì chịu ảnh hưởng của những đợt áp thấp nhiệt đới và bão. Mưa như thể ướp thành phố trong làn hơi giá buốt. Những buổi sáng mờ sương, những ban mai đượm nước. Vậy nhưng, sáng nay nắng về, tươi mới.
Mưa đủ lâu để ta chờ mong những ngày nắng ráo. Trời nhẹ cao lên một chút, không khí loãng ra khiến hơi thở cũng nhẹ nhàng hơn. Con đường đến trường sớm nay không quá trơn trượt để tôi phải chú tâm vào những vũng nước. Tôi nhớ mùa mưa năm nay lạ kỳ, bất thường như những câu thường lặp đi lặp lại trong bản tin dự báo thời tiết.
Thả hồn với nắng mai và gió sớm, tôi phát hiện ra loài hoa báo nắng của Tây Nguyên-hoa dã quỳ đã lác đác vài bông bên đường. Tôi đi tiếp một chặng nữa, đúng là dã quỳ đã về thật rồi. Trước mắt tôi, nơi bức tranh ngăn ngắt màu xanh của triền đồi đã khẽ khàng điểm tô sắc vàng tươi của đôi nhánh dã quỳ. Ôi chao! Nắng sẽ lại về, nhanh thôi!
Mùa mưa Tây Nguyên lê thê, mưa đủ để lá hết ủ ê, xơ xác, đủ để cây vươn mình tốt tươi. Dã quỳ cũng vậy, mưa càng nhiều thì càng mọc khỏe, căng tròn sức sống, ủ những mầm hoa mũm mĩm, xinh xinh. Loài cây dại bên đường ấy cứ tàn rồi lại xanh, bất chấp thời tiết có khắc nghiệt hay khác thường.
Hoa dã quỳ. Ảnh: Thái Bình
Hoa dã quỳ. Ảnh: Thái Bình
Dã quỳ gắn với mùa khô, mùa thông thốc gió và cái lạnh cũng dần về khe khẽ. Sẽ nắng, gió, bụi và se lạnh. Những cái đó nó hòa quyện lại làm cho Tây Nguyên mang nét đặc trưng. Trời trở gió hanh hao làm khô môi con trẻ, gió làm hoa dã quỳ bung rộ và cỏ đuôi chồn tim tím khoe sắc. Vậy nên thử hỏi cư dân yêu Gia Lai mà xem, “thời gian nào đẹp nhất nơi đây”, họ sẽ không ngần ngại nói rằng đó là thời điểm tháng 10, 11.
Dã quỳ bên đường hôm nay đã chơm chớm nụ vàng. Trên nền xanh sẫm của những cây mẹ được tích nước khỏe mạnh, những nụ hoa đã lấp ló dưới tàn lá răng cưa. Rồi đây, trên đường đi làm về, tôi sẽ lại bắt gặp một ai đó mê say chụp ảnh những cành hoa vàng rộm có mùi hăng hắc. Rồi đây, trên đồi Pháo Binh xanh mát kia sẽ là những đồi hoa rộm vàng. Bầy dê con lạc mẹ lại chạy loanh quanh dưới chân núi, chúng rúc vào những bụi quỳ, chúng cùng với gió sẽ lung lay, rung rinh những đám hoa dại rực rỡ trên cao nguyên bazan đầy sức sống.
Tôi đã có hàng chục bài báo về hoa dã quỳ và những bạn viết của tôi cũng vậy, nhưng sức hấp dẫn của loài hoa này chưa bao giờ làm chúng tôi dừng lại. Mỗi loài cây, ngọn cỏ trên cao nguyên bazan này có sức mê hoặc đối với những ai từng đến và sống ở đây. Thiên nhiên hiền hòa đến vậy bảo sao chúng tôi lại không yêu, không quý, không trân trọng.
Hôm nay, dã quỳ đã chơm chớm nụ vàng.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.