Bánh căn của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào những ngày mưa gió sụt sùi, mẹ tôi thường đúc bánh xèo. Trong một lần về thăm quê, dì Ba mang tặng mẹ món quà đặc biệt: 1 bộ lò và khuôn đổ bánh căn bằng gốm Bàu Trúc! Bánh căn là bánh… gì ta? Cả nhà tôi cứ ngớ ra. Nhìn bộ khuôn thiệt đẹp nhưng bánh căn đổ kiểu nào thì đâu ai biết? Dì Ba hiểu ý, cười ngất: Dễ òm hà, để em bày… Sau một đỗi lắng nghe, mẹ cười cười rồi nói: Để mẹ đổ bánh căn đãi cả nhà! Chúng tôi ồ lên, khoái chí vỗ tay lốp bốp.
Để làm bánh căn, mẹ bảo chị tôi đem ngâm gạo từ đêm trước. Sáng vớt gạo đi xay, mẹ đổ kèm thêm chén… cơm nguội. Gì kỳ? “Cứ xay luôn đi, đừng thắc mắc”-mẹ cười bí ẩn. Gạo xay thành bột mang về, mẹ múc bột ra tô, đập thêm quả trứng gà sống trộn, đánh đều lên cho bột có màu vàng. Cứ mỗi tô bột thêm 1 quả trứng.
Lò và khuôn được mang ra. Cũng nhóm lò than cho hồng; xong đặt lên trên khuôn bánh, múc bột trong tô đổ lần lượt vào từng “lỗ chén” nhỏ trên khuôn. Chị tôi bảo: “Mẹ quên chưa thoa dầu khuôn kìa”. Mẹ lại cười: “Dì Ba nói đổ bánh căn không cần dầu”. 
Chúng tôi háo hức ngồi chờ. Nghe mùi thơm của bánh, mẹ lẹ làng giở nắp khuôn, dùng xẻng xắn nhẹ quanh rìa cho cái bánh tróc, sau đó xúc gọn từng chiếc bánh căn vàng ươm còn nghi ngút khói đặt ra mâm. Nước chấm là chén mắm pha loãng, thêm tỏi ớt và hành lá xắt nhỏ. Mẹ lấy chén đũa, gắp cái bánh căn còn nóng hổi chấm ngập vào chén nước mắm, vừa thử bánh vừa gật gù.
Vị béo bùi của bột gạo trộn trứng hòa quyện trong chiếc bánh phồng, xốp nhờ bột xay có gia thêm cơm nguội ngấm cùng vị mặn mà, cay thơm của nước mắm tạo nên cho chiếc bánh căn hương vị rất riêng. Còn nữa, mùi thơm của vỏ bánh cháy sém do không dùng dầu mỡ thoa khuôn cũng tạo nên nét độc đáo của bánh căn. Đây mới là ăn thử, mẹ bảo, nghe dì Ba bảo phải kèm với xoài sống, khế chua hoặc dưa leo thái sợi.
Ảnh minh họa: Huyền Trang
Ảnh minh họa: Huyền Trang
Tôi lớn lên, được đi nhiều nơi, có dịp thưởng thức nhiều món ăn ở những hàng quán cao cấp, trong đó có món bánh căn. “Cao cấp” thật, bởi bánh căn nơi ấy không chỉ giản đơn là bột gạo trộn trứng mà còn thêm tôm, thịt hoặc trứng cút bên trên. 
Khi ăn, gắp hai cái bánh úp mặt thành một cặp. Nước chấm, rau củ cũng đa dạng và phong phú. Vậy nhưng, kỳ lạ thay, không có bữa bánh căn nhà hàng nào tôi ăn thấy ngon bằng món bánh căn giản đơn ngày xưa của mẹ.
Bạn tôi bảo: Tại ngày xưa mình khổ nên ăn gì chẳng ngon! Cũng có phần đúng, nhưng còn một cái ngon khác mà bạn quên không tính đến là sự yêu thương khi được thưởng thức món bánh căn cận kề bên mẹ, bên lò lửa ấm ran trong khi bên ngoài gió lùa hun hút từng cơn mang cái lạnh tê người.
Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.