Mùa đông sẽ qua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nay, Tây Nguyên mình rét đậm. Có những sớm ra đường, lạnh tái tê. Nhà tôi ở ngoại ô Pleiku. Thỉnh thoảng, tôi có đi vòng qua phía bên kia hồ T'Nưng để đến lớp cùng học trò. Mặt hồ phả hơi nước như hun khói làm ướt đầm chiếc cầu treo nhỏ và những nhành cây trần trụi lá. Sương phủ mờ cả lối đi, phải bật đèn pha mà chạy, những ánh đèn cũng tái nhợt rồi yếu dần. Cái giá buốt của mùa khô Tây Nguyên như phủ kín dù những lớp áo trên người đã dày tựa chăn ấm. Mùa đông Tây Nguyên là có thật!
Dẫu biết sự khắc nghiệt của thời tiết là thường niên nhưng tôi vẫn xuýt xoa như chưa bao giờ chịu đựng nổi. Nhất là khi chạy vụt qua những ngõ nhỏ âm thầm, vài con đường chưa có tên hay một ngôi nhà không treo số. Đúng là sự băng giá đang được chia đều cho tất cả. Vốn mẫn cảm với những cơn gió không bao giờ nhìn thấy được, tôi đã chuẩn bị khăn áo cho mình. Thế nhưng, vẫn cứ chạnh lòng vì biết chẳng len dạ nào ủ ấm được hết nhân gian. Trộm nghĩ: Biết bao giờ mùa đông sẽ qua, biết bao giờ gió rét sẽ nằm im lằng lặng.
  Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Tự hỏi, chúng ta cần gì cho một mùa đông thôi khắc nghiệt? Có phải khi lạnh hơn, cô đơn hơn, bâng khuâng hơn thì một tách cà phê nóng ấm, một cốc trà nghi ngút khói và chút nắng sớm cũng đủ làm lòng ta mừng rơn từ trong sâu thẳm. Khi ấy, cái buốt của gió trời dường chỉ như một cánh bướm mong manh, lay nhẹ là dễ dàng tan đi mất. Bất chợt, nếu bây giờ phải kể ra những lý do khiến mùa đông ở lại hay ra đi, tôi sẽ tần ngần. Bởi mùa đông ở cao nguyên có nhiều điều thú vị và thân thương, khó nói thành lời.
Độ này, tôi thường xông một ít tinh dầu trong gian phòng nhỏ. Vờ làm người trực đêm để canh trời rét đậm, nghe gió rin rít trên mái nhà, nghĩ đến mặt hồ, những con đường ngoài kia có khi đã nổi váng lên vì sương giá. Mùa đông được thức cùng tưởng tượng nghe chừng lý thú. Ngắm chiếc đèn xông tinh dầu nhả từng cụm khói ấm vào tĩnh lặng, thơm suốt một đêm như thế, rồi mang bít tất, rồi trùm chăn thiêm thiếp ngủ, bỏ lại cuốn sách trên đầu giường hút gió… Cớ gì mà tôi chẳng yêu mùa đông!
Mùa đông đang ghé qua tôi, ghé qua miền cao nguyên này theo một vòng tuần hoàn chưa bao giờ lỗi hẹn. Có thể, mùa đông quá đỗi lạnh lẽo với người này nhưng là những khoảng trời được sưởi ấm đối với một ai khác. Riêng tôi lại bùi ngùi với mùa đông ở nhiều lẽ. Đâu thể diễn tả bốn mùa trong năm chỉ bằng hai từ “lạnh-nóng”. Mùa đông ở cao nguyên bao la và thi vị hơn nhiều. Rồi mùa đông sẽ qua! Lúc ấy, nỗi nhớ mùa đông sẽ da diết thật sự chứ không chỉ là dư ảnh thoáng qua.
 LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…