Đường về nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi rất thích những bức tranh vẽ một lối đi nhỏ. Lối đi đó có thể quanh co dưới những tán tre xanh mát rượi, có thể men theo một triền đồi hoặc cheo leo trên một con dốc… Kiểu gì thì hai bên lối đi sẽ là lúp xúp hoa cỏ dại và ở đoạn cuối bao giờ cũng hiện ra một nếp nhà nhỏ bé và đơn sơ, hoàn toàn tương thích với khung cảnh, tạo nên sự cân đối hài hòa cho bức vẽ. Nhiều lần tôi đã ngồi im lặng rất lâu trước những bức tranh như vậy và mường tượng về những con đường dẫn về nhà.
   Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Cũng đã bao lần tôi tự hỏi, thế giới này rộng lớn bao nhiêu? Nếu phải đo đạc bằng thuật toán với những con số chính xác thì câu trả lời chẳng có gì khó. Nhưng trong tôi, trong cái suy nghĩ chẳng bao giờ chính xác lấy một milimet bởi sự mường tượng luôn ứ đầy, thì có lẽ, với mỗi con người, thế giới này gói ghém vừa vặn trong một nếp nhà. Trẻ con nhà tôi đi về, theo thói quen, lần nào cũng vậy, đến cổng là đã gọi mẹ váng lên. Mai này, mười năm, hai mươi năm trôi qua, khi thời gian đã khiến mắt tôi mờ, tai tôi lãng, trí nhớ tôi phai nhạt, thì ký ức tôi chắc hẳn sẽ vẫn hằn in rõ mồn một rằng, sau tiếng lạch cạch của cánh cổng mở ra, các con tôi sẽ vẫn cất tiếng gọi mẹ, rồi ào vào nhà dáo dác tìm tôi như thói quen của chúng từ khi tập nói. Và dưới nếp nhà này, tôi luôn chờ để được nghe tiếng gọi bản năng ấy cất lên từ ruột thịt của mình. Còn điều gì trên đời này dịu dàng, an yên hơn thế!
Chị tôi dạy con gái mình rằng, con có thể đi bất cứ nơi nào trên thế giới, làm bất cứ việc gì con thích, kết hôn với bất cứ người nào con yêu... Nhưng nếu chẳng may con thất bại, dẫu “n” lần, con hãy trở về nhà với mẹ. Khi nói với con điều này, tôi thấy ánh mắt chị sâu hun hút, chị đưa tay vuốt tóc con. Nhìn chị, tôi lại mường tượng về những lối đi nhỏ dẫn về những nếp nhà luôn ngập tràn ánh sáng, thứ ánh sáng được chiếu rọi bởi tình thương yêu, sự bao dung và ấm áp những chở che.
Và ngay cả tôi cũng thế. Khi đã trở thành điểm tựa cho con cái, tôi vẫn thèm cảm giác được trở về nhà, nơi có những người sinh ra tôi. Những buổi chiều nắng xế, tôi bắc một chiếc ghế nằm thảnh thơi đọc sách bên hiên, mẹ tôi ngồi cạnh, đeo kính lão, khâu vá một thứ gì đó hoặc xem một tờ báo. Thỉnh thoảng mẹ nhờ tôi xâu chỉ hoặc bình luận một vấn đề mà mẹ đọc được trên báo. Tiếng trẻ con đùa nghịch, tiếng gà vịt ríu rít đòi ăn… Ngoài vườn, luống rau vừa bật dậy những mầm xanh, bông xuyến chi vừa xoe tròn những cánh trắng, những cây bắp đang lu lú trổ cờ… Trong bếp, nồi cơm gạo mới dậy hương thơm như mang theo cả cánh đồng đang vào vụ gặt. Tất cả gợi lên trong lòng tôi sự an yên, ấm áp len lỏi đến tận từng tế bào.
Trên vạn nẻo đường đời vất vả mưu sinh, mỗi một người đều có cho riêng mình một nơi trú ngụ, một chốn để trở về sau những bộn bề cơm áo, sau những vất vả mệt nhoài… Nơi ấy có tình yêu thương, có sự đùm bọc sẻ chia, có những chở che an ủi. Nhờ đó mà chúng ta như được tiếp thêm năng lượng sống. Thế giới có bao nhiêu ngôi nhà thì sẽ có chừng ấy con đường dẫn về mỗi tổ ấm. Và với riêng tôi, thế giới luôn ứ đầy trong mường tượng của mình, chỉ vừa bằng một nếp nhà nhỏ bé.
 ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.