Bát nước "chè hai"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bạt ngàn ven sông là những vạt mía xanh rì, đám tiếp đám, chạy dài hút mắt. Đất quê tôi bên liền sông bên giáp núi, là nơi có thổ nhưỡng cực kỳ thích hợp với cây mía. Trồng mía ăn tươi là chuyện phụ; mục đích chính là để ép nước, nấu đường. Tuy nhiên, giống mía “nấu đường” ngày xưa không khác mấy với mía trồng ăn tươi, nghĩa là rất chi ngọt, mềm, nhiều nước. Vậy nên khi mía vừa bắt đầu có lóng (gióng) là lũ trẻ chăn bò “nhất quỷ nhì ma” đã bắt đầu để ý. Biết vậy, người trồng mía nào cũng phải đi tắt về ngang, canh ngày canh đêm. 
Canh thì canh, nhưng cũng không cách nào miễn khoản “cống nộp” cho lũ nhỏ lẹ mắt lanh tay. Con đường mòn nhỏ xíu xiu, hai bên mía cao nghều, có ông chủ nào trang bị “mắt thần” mà một lúc quan sát hết thảy bốn bên ruộng mía? Lũ “bợm” đi đường cứ liếc ngửa liếc ngang; thấy vắng là tạt nhanh xuống lề. Rốp, rốp-chưa đầy nửa phút đã cầm hai ba cây mía nhẵn nhụi chạy lên. Giờ thì chúng sẽ tùng tơn vừa đi vừa tước vỏ, hít, nhai. Ông chủ có gặp cũng chào thua; biết có phải mía mình không mà hỏi?
 Minh họa: Kim Hương
Minh họa: KIM HƯƠNG
Ngon lắm cái hương vị ngọt ngào của những lóng mía đất quê. Càng ngon hơn bởi nỗi thèm thuồng triền miên của tuổi thơ nghèo cực, ít có cơ hội được ăn mía một lần cho đã…
Cơ hội cũng có, nhưng phải chờ tới mùa nấu đường.
Mùa nấu đường mía sẽ bị phát (chặt) đồng loạt hết đám, tập trung chở về lò nấu. Lò thủ công lưu động, đào đắp theo mùa, thường là nơi các bãi đất rộng có bóng râm. Bên cạnh lò là “che”-tức 2 thớt cối đá khổng lồ dùng ép mía cây. Xưa, người ta quay “che” nhờ sức kéo trâu bò. Sau này cải tiến hơn thì dùng động cơ nhưng hệ thống cối ép nghiền mía cây cơ bản vẫn vậy.
Mía tập kết về bãi nấu đường thì được phép tha hồ ăn (tại chỗ). Người lớn chừng một cây đã ngán nhưng lũ nhỏ thì chưa đâu. Con nít vốn hảo ngọt mà. Ngày nào tôi cũng kiếm cớ la cà, ghé qua lò nấu ít nhất một lần để hưởng “lộc trời cho”. Tôi vốn tính ăn tham, lần nào cũng nhai mía nhiều tới mức rát lưỡi bỏ cơm. Vậy nhưng khi đứng dậy ra về vẫn chùng chình 1 bước đi 2 bước ở. Còn “đói mắt” mà…
Mía ép ra bã hết rồi thì “tiệc mía” cũng coi như bế mạc. Giờ chỉ còn vớt vát bằng “chiêu” cà rà theo tám chuyện với mấy bác thợ nấu đường bên cái lò ngùn ngụt cháy, rồi thể nào cũng được bác thương tình múc cho bát nước “chè hai”-tức thứ nước mía vừa được nấu cô giai đoạn đầu, có hương vị thơm ngon rất đặc trưng, ngọt lịm và nóng hổi! Kỳ lạ, được uống bát nước “chè hai”, người vừa lao động nặng xong dù mệt cách mấy cũng khỏe ra ngay, y như thần dược. Còn với riêng tôi, bát nước “chè hai” đích thực là cái kết có hậu cho một mùa mía đường dài dặc trong ký ức ấu thơ…
Quê giờ sừng sững mọc lên một nhà máy đường quy mô với sức ngốn mỗi ngày hàng ngàn tấn mía. Lò nấu thủ công chỉ còn lại trong ký ức. Vùng nguyên liệu vẫn là những ruộng mía quen thuộc ngày xưa, có điều không bóng dáng người canh. Canh làm gì, bởi giống mía nguyên liệu ngày nay trữ lượng đường cao nhưng thân cứng còn hơn đá, bập vào chắc chắn… gãy răng nên đâu ai buồn trộm? Ghé quán bên đường ngồi uống ly nước mía, bỗng ngậm ngùi: Ô hay, cái “xứ mía” bạt ngàn ngày xưa giờ lại không thể tìm mua ra cây mía để ăn. Đương nhiên vị của bát nước “chè hai” lại càng phải lội sâu vô quá khứ mà tìm…
 Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.