Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng vàng hực. Những chiếc lá già rụng tả tơi đầy góc chợ nghèo. Đó đây um sùm tiếng mấy bà đi chợ trễ trả giá mua rẻ mớ cá đã ngáp ngáp, nằm im re không thèm giãy giụa. Bỗng chợ như cái loa phường đột nhiên bị cúp điện, im phăng phắc. Những cái miệng cứng đơ, không kịp khép lại, nhường cho tai hoạt động hết công suất hóng nghe coi có chuyện gì. Hình như tiếng chửi thề.
 Tiếng la ban đầu nho nhỏ nghe như tiếng ruồi bu vèo vèo trên đám rác cuối chợ, dần dần rộ lên bất ngờ làm một bà già giật mình đánh rớt bó rau vừa mua xuống vũng nước đọng dưới chân. Không kịp lượm lên, bà phóng ánh mắt tò mò hướng về phía thằng nhỏ ôm cái thùng giấy chạy cời cời. Cả chợ cũng nhìn theo. Nhiều người bỏ quán bỏ tiệm ra coi. Phía sau nó, một người đàn ông phóng theo sát rạt, miệng vẫn không ngừng chửi. Theo sau ông là đám con nít, nhìn xa thấy đông vui tưởng như đang chơi trò múa lân.
- Thằng mất dạy! Thằng ăn cắp! Đứng lại…
Làm như chữ “đứng lại” có phép, thằng nhỏ ôm thùng giấy đứng lại thật. Mà không, chính xác là một bà mập xách giỏ đi qua cắt ngang đường chạy của nó. Lập tức, như con mèo đói chụp chuột, người đàn ông đã lao tới giáng vô mặt thằng nhỏ một bạt tai. Thằng nhỏ lăn như một trái banh bay về phía khung thành, còn đám con nít hoan hô như những fan cuồng bóng đá. Tất cả xảy ra nhanh tới mức không ai can kịp.
   Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
 Chừng thấy miệng thằng nhỏ chảy máu, bà bán thịt hớt hải bước ra. Tay bà còn cầm con dao dính máu và mỡ heo nên ông kia cũng sợ, bà không cần nói gì ổng cũng tự động lùi lại. Thấy người đàn ông có vẻ bớt lửa hung hăng, thằng con nít dẫn đầu đám loai choai bắt đầu châm dầu vô:
- Đánh nó nữa đi ba! Nó ăn cắp đồ chơi của con!
Bà bán thịt liếc một cái, hiểu liền vấn đề. Cái thùng thằng nhỏ ôm lúc nãy rớt xuống đất, phơi ra lố nhố đồ. Một trái banh sắp từ biệt màu xanh chuyển qua màu đen, mấy miếng giấy in xanh đỏ không miếng nào lành, một con rô bốt hư đã cụt tay và chân. Mớ còn lại hoặc hư nát không rõ hình dạng, hoặc dơ tới mức không đoán được là gì. Bà chặc lưỡi, thầm nghĩ người ta có thể vì đám đồ chơi bỏ đi này mà đánh một đứa con nít chảy máu mũi sao?
- Nhiêu?-bà hất mặt, ghim thẳng cái liếc mắt sắc lẹm về phía người đàn ông.
Chắc đã lấy lại được bình tĩnh, người đàn ông bắt đầu lên gân cổ chuẩn bị tung ra mấy câu chửi thề với âm lượng lớn. Phập, tiếng cây dao chặt thịt từ tay người đàn bà cắm vô cái thớt gỗ đủ mạnh để ép những câu chửi đó quay ngược về cổ họng theo nhịp nuốt nước miếng của ông ta.
- Hai… hai chục ngàn!
*
*       *
Người đàn ông dẫn đám con nít đi. Chợ cũng quay về ồn ào, mấy bà mấy cô cần tranh thủ mua bán cho xong để về lo cơm nước cho chồng con. Cũng đâu còn chuyện để coi.
Thằng nhỏ được bà bán thịt lôi vô trong sạp. Nhấn nó ngồi xuống cái ghế bóng lưỡng mỡ heo, bà hỏi nó đau không. Hỏi hoài không thấy nó trả lời mà chỉ ôm khư khư mớ đồ chơi hư cũ, bà bực mình nạt một tiếng. Nó giật mình mém té khỏi ghế, mắt ứa nước, ú ớ một tràng. Nó nhảy khỏi ghế như giọt nước trượt khỏi lá môn, ôm cứng cái thùng chạy như ma rượt. Bị bất ngờ, bà không nắm nó lại kịp. Bà nghe họng mình có ai xiên ngang như người ta xỏ xâu cá lóc. Từ vết đau đó, ứa lên vị đắng và mặn chát như giọt nước mắt thầm. Trời à, thằng nhỏ câm.
 Lần thứ hai, bà tốn ba chục ngàn đồng đền để lôi nó ra khỏi mớ rắc rối từ một thùng quần áo cũ. Cũng lại là ông Tám, người rượt theo tát nó chảy máu mũi vì một mớ đồ chơi hư hôm bữa. Cũng cái đám con nít loi nhoi hôm đó, lần này một thằng khác đứng ra xúi ông Tám đánh thằng nhỏ.
 Rút kinh nghiệm lần trước, bà đặt tay lên vai nó ghì lại để giữ nó không bỏ chạy, trong lúc coi nó có trầy trụa gì không. Lần này ngộ, nó hất thùng đồ qua một bên, mếu máo ôm mặt khóc. Bàn tay nhỏ xíu, dơ hầy không che được sự sợ hãi và hụt hẫng dâng đầy khuôn mặt nó. Bà muốn hỏi, mà thấy hỏi cũng như không. Nó có trả lời bà cũng đâu có hiểu.
 Lần đầu tiên, một người từng tuyên bố “thịt heo ăn mới no bụng chứ chữ có ăn được đâu” như bà nghĩ tới chuyện đi học. Học thủ ngữ. Bà tha thiết muốn biết thằng nhỏ nói cái gì. Sao mà nó đi ăn cắp. Cũng như bà từng tha thiết muốn biết con bà nói câu gì trước lúc chìm nghỉm dưới nước, để lúc vớt lên miệng không khép được. Thằng nhỏ này trạc tuổi con bà.
*
*       *
 Người ta lại qua bắt đền bà bán thịt. Họ nói thằng nhỏ ăn cắp. Ngộ, cái gì mất cũng đổ thừa nó lấy. Tới cây son chị Năm bán rau mới được con gái tặng hôm qua mất cũng kêu nó lấy. Để rồi khi đứa con gái chạy ra trách “Má để rớt cây son dọc đường nè”, chị Năm mới ấp úng một câu xin lỗi.
 Ai nói gì thì nói, bà kệ. Bà tin thằng nhỏ. Lâu ơi là lâu bà mới học được ngôn ngữ người câm, rồi cũng bằng đó thời gian bà dạy lại cho thằng nhỏ. Ngộ, cùng là con người mà phải có ngôn ngữ khác mới hiểu được nhau.
Ba má thằng nhỏ về gặp ông bà hết rồi. Do tai nạn. Họ hàng sợ mắc nợ, giả lơ không ai thèm nhận. Thằng nhỏ đi lượm ve chai sống qua ngày. Mấy cái này là tự bà điều tra, chứ nó không nói nhiều vậy. Nó “nói” ít xịt. Câu đầu tiên là nó tên Thiện. Câu thứ hai cũng vậy. Câu thứ ba y chang. Tội, nó nhấn mạnh vậy chắc tại cái tên là thứ duy nhất ba má để lại cho nó.
 Thằng này chắc quê vùng biển, nên “nói” câu nào cũng mặn chát muối. Mà lòng bà còn vết thương hở miệng nên đau theo từng cái quơ tay của nó. Nó “nói” người ta cho nó đồ chơi, rồi đòi lại. Nó nói người bỏ thùng quần áo ngoài cột điện, nó lượm thì bị người ta rượt. Bà thở hắt, xoa xoa đầu thằng nhỏ. Mắt nó sắp cong thành dấu hỏi luôn rồi. Hỏi, sao người ta trở mặt kỳ vậy? Bà đâu biết trả lời sao.
- Ê thằng con nuôi bà ăn cắp cây chổi của tui!-bà Hai lác lù lù xuất hiện, chụp lấy miếng thịt ba rọi trên sạp rồi lủi lẹ nhanh như con chó vồ trộm gà-Tui lấy miếng thịt coi như bà đền tui đó!
*
*       *
 Nguyên ngày nay mặt bà chỉ có phân nửa nụ cười. Mắt có lửa, bà rắc than nóng vô mặt mấy người đi mua thịt.
Ông Tám giờ này chắc còn đóng cửa cố thủ trong nhà. Dám ló đầu ra mới lạ, gạch bay bể trán. Đám đông bu đen trước nhà ổng tay thủ sẵn “vũ khí” hễ thấy mặt người thò ra là chọi thẳng tay. Cho chừa tội ăn cắp.
Thì ra, ông Tám ăn cắp chứ không phải thằng nhỏ. Vợ ổng kêu con cho thằng nhỏ câm thùng đồ chơi rồi kêu ổng rượt theo đòi lại. Vợ ổng bỏ thùng quần áo chỗ cột điện thằng nhỏ hay lại kiếm chai nước bỏ, tiếp tục màn cũ. Để chi? Để ông Tám dẫn đám con nít làm rùm beng cho cả cái chợ xúm vô coi. Bà Tám sẽ dắt hai đứa con lớn đảo một vòng, rình những tiệm không ai coi ngó, lấy được món gì thì lấy. Giờ cả chợ biết rồi nên xúm lại bắt đền.
 Bà bán thịt nhìn thằng Thiện, tự hỏi rồi ai đền cho thằng nhỏ. Đôi mắt ngây thơ của nó không hay biết gì. Nó đang còn miệt mài ăn ổ bánh mì thịt bà mới mua cho, miệng mồm nhểu nhão, tay quơ “ngon má, ngon má”. Chắc với nó, người ta kêu nó bằng “thằng Thiện” thay cho “thằng ăn cắp” là mừng rồi. Còn đền thì trời đã đền cho nó một bà má mặt giang hồ mà bụng hiền khô. Hay trời đền cho bà một đứa con, ai mà biết...
Phát Dương

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…