Phố mùa này có gió heo may

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một sắc lá bàng vừa rụng đêm qua, nằm xếp dày lên thành từng thảm. Ngày mới trở dạ sau cuộc sinh nở vuông tròn cùng mùa. Rồi gió heo may se sắt lạnh ướp vào phố sáng nay.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Pleiku đang chuyển dịch từ mùa mưa sang mùa nắng lạnh. Phố dịu dàng hơn khi được những chiếc áo len tô điểm, phố ấm áp hơn khi người với người xích lại gần hơn bên tách cà phê buổi sớm. Các bà, các chị sẽ không dè dặt khi cởi bỏ khẩu trang hít hà mùi hương của phố. Một cảm giác ngai ngái như không có thật, khó nắm bắt. Nó khiến ta ngại ngần rồi bồn chồn rồi lưu luyến rồi tĩnh lặng, nhưng chẳng để ta quên lãng. Cứ cố tìm rồi chợt nhận ra chẳng ở đâu xa, ngay bên cạnh ta đấy thôi. Thật gần, thật quen nhưng vẫn chưa bao giờ thôi mới mẻ, vì chẳng mấy khi mình có thể thoải mái mở hết giác quan ra mà đón những thanh âm, sắc màu của mùa gió heo may.
Mùa này ở Pleiku gợi về trong tôi cả một trời kỷ niệm. Tôi cùng cô bạn đồng nghiệp có sở thích rất giống nhau, đó là nhẹ nhàng đi lòng vòng trên những triền đồi, cố tình để màu đất đỏ bám vào chân. Nghe cả tiếng thì thầm của những nụ cúc quỳ đang khẽ bung nở. Những xuyến chi cứ thế đong đưa, bừng sắc trắng tinh khôi. Gần đó, từ quán cà phê với lớp kính trong suốt ta có thể ngắm hai bên đường những vạt hoa cỏ nghiêng ngả theo gió. Trong thành phố, có một không gian hữu ý như thế chỉ để thưởng thức những thức uống ngon và ngắm mùa gió heo may đang về thì thật thú vị biết bao!
Đã bao lần như thế trong đời ta nhận ra một heo may rất khác. Như cây lộc vừng hôm qua đỏ ối rạng ngời, hôm nay chỉ còn vài chiếc lá thủy chung. Cái nắng, cái gió ấy khiến cho cây cối cũng dần tàn để chuẩn bị bước sang một chu trình mới. Mọi vật đều thay đổi, riêng gánh hàng rong xuống phố chở đầy hoa thạch thảo tím biếc thì vẫn thế! Trong ngày trở gió, nét dịu dàng và mộc mạc của loài hoa ấy khiến người ta xao xuyến khôn nguôi.
Chỉ vậy thôi mà mùa gió heo may ở Phố núi có điều gì đó rất riêng, không lẫn vào đâu được. Đã qua bao năm tháng đời người, qua bao mùa gió heo may mà phố vẫn vậy: đầy dịu dàng, yêu thương.
Diễm Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.