Gieo niềm yêu thích đọc sách cho học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong trường học luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông (Gia Lai) chú trọng. Theo đó, ngày càng có nhiều học sinh trên địa bàn huyện hình thành và duy trì thói quen đọc sách.
Thư viện cầu thang
Hình ảnh các góc thư viện xanh được bố trí giữa sân Trường Tiểu học Hùng Vương (thị trấn Chư Prông), ngay bên dưới các gốc cây xanh mát thường gây thiện cảm cho bất kỳ ai lần đầu đến đây. Cách đó không xa là khu vực thư viện đa năng, nơi các em học sinh lớp 5A đang có tiết học Thư viện. Khu vực này rộng khoảng 18 m2, được bố trí theo không gian mở. Các kệ sách báo được kê sát vách tường. Khoảng không gian còn lại là nơi đặt những chiếc bàn dùng làm nơi đọc sách, bày các trò chơi. Tại đây, một nhóm học sinh chăm chú đọc báo Măng Non, thỉnh thoảng lại cùng nhau ghi vào sổ tay những điều thú vị. Một nhóm khác say sưa chơi cờ vua, ô ăn quan. Thầy Lê Danh Lăng-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Từ năm học 2017-2018, nhà trường đã triển khai mô hình thư viện thân thiện với các hoạt động như: thư viện xanh, thư viện góc lớp, thư viện đa năng… Đặc biệt, chúng tôi sắp xếp 1 tiết thư viện/lớp/tuần, nội dung giáo án do giáo viên chủ nhiệm cùng cô thủ thư biên soạn như đọc sách, kể chuyện theo sách, đóng vai theo sách... nhằm tạo thói quen đọc cho các em”.
  Một tiết học của học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Hùng Vương tại khu vực thư viện đa năng. Ảnh: P.L
Một tiết học của học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Hùng Vương tại khu vực thư viện đa năng. Ảnh: P.L
Để sách đến gần hơn với học sinh, trường còn thiết kế 5 góc thư viện cầu thang dành cho 5 khối lớp. Bên dưới chân cầu thang mỗi dãy phòng học đều được tận dụng đặt một kệ sách nhỏ, một bộ bàn ghế để các em có thể tranh thủ đọc trong giờ ra chơi. Ngoài ra, dọc theo tường cầu thang, nhà trường thiết kế các bức tranh miêu tả về đời sống, văn hóa, mô phỏng các câu chuyện trong sách, báo đẹp mắt sinh động. Em Võ Minh Hiếu (học sinh lớp 5A) cho hay: “Em rất thích không gian thư viện của trường bởi em có thể đọc ở bất kỳ chỗ nào. Em đã học được rất nhiều điều hay từ các câu chuyện trong sách, báo, thấy chúng rất bổ ích”. Còn em Kpui Kỳ (học sinh lớp 5A) bẽn lẽn nói: “Ở trường có rất nhiều báo, sách truyện hay. Nhờ đọc nhiều truyện, sách báo mà em có thể đọc chữ nhanh hơn, ít lỗi, viết bài trên lớp cũng dễ hơn”.
Tín hiệu đáng mừng
Nói về phong trào đọc sách của nhà trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương vui vẻ tâm sự: “Sau một năm tổ chức, học sinh đều hào hứng tham gia các hoạt động đọc sách. Qua quan sát chúng tôi thấy các em có ý thức học tập tốt hơn, ý thức tự giác được nâng cao, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường”.
Huyện Chư Prông hiện có 21 trường THCS, 21 trường Tiểu học. Hầu hết các trường đã triển khai mô hình thư viện thân thiện, hình thành và nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Ông Lê Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông-cho hay: “Thư viện không chỉ là phòng đọc, là kho sách mà còn được chia thành nhiều góc hoạt động khác nhau như góc nghệ thuật, góc giải trí, góc viết, góc đọc... Không gian đọc cũng không bó hẹp mà được mở rộng ra ngoài trời, đa dạng hình thức để đưa sách đến với học sinh”. Trong tổng số 42 trường trên địa bàn, hiện 33 trường đã có thư viện, 9 trường tận dụng các phòng học để làm thư viện. Để có được kết quả này, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về văn hóa đọc trong giáo viên, học sinh và phụ huynh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; vận động tài trợ bổ sung sách; tổ chức giao lưu sách giữa các trường, trao đổi sách với Thư viện huyện để đa dạng hóa đầu sách...
Ông Lê Hồng Sơn cũng mong muốn thời gian tới các trường sẽ được bố trí nhân viên thư viện đầy đủ, được bổ sung nguồn sách đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu, sở thích và độ tuổi của các em học sinh; đồng thời cần nhiều chương trình tập huấn để giúp nhân viên thư viện nâng cao chuyên môn, phục vụ học sinh một cách tốt nhất.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.