Mẹ ngồi đan áo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi đã đi qua biết bao mùa đông với những buổi trưa đong đầy thương nhớ. Trong se lạnh, một tiếng gà đâu đó vang lên xa vắng, như từ xưa cũ vọng về. Cứ vào độ này, khi tiết trời giá lạnh, khô hanh tràn ngập không gian, tưởng như những ban trưa cứ thế dài đằng đẵng.
Nhớ những trưa mùa đông mẹ tôi ngồi đan áo. Gọi là đan chứ thực chất là mẹ tận dụng lại len của mùa trước, từ những chiếc áo cũ. Áo của chị, của anh tôi cứ hễ chiếc nào, sợi nào còn dùng được, mẹ ngồi gỡ ra, cuộn lại rồi đan thành chiếc áo cho tôi. Ngày đó, trẻ em có manh áo ấm đến trường đã là hạnh phúc lắm rồi, chẳng ai đi so đo xem màu này có đẹp không, mẫu mã, kiểu dáng thế nào như tụi trẻ bây giờ.
Tôi nhớ, mỗi trưa, mẹ chỉ được nghỉ chừng hơn tiếng, trong tiết trời còn rét buốt ấy, bên bếp lửa, mẹ cần mẫn ngồi chắp nối từng sợi mà đan, từng sợi len gợi nhớ ký ức về những đứa con. Cuộc sống nghèo khó, những ban trưa thoắt trở nên tẻ nhạt, chỉ có mũi kim đã bóng nước mồ hôi tay của mẹ cứ lầm lũi xâu chuối tất cả tình thương yêu…
Một trưa, bị mẹ gọi dậy, tôi phụng phịu. Áo mẹ đã đan xong, chằng chịt các màu khác nhau nhưng mẹ đan khéo và mặc khá ấm. Tôi nhận ra màu nào từ áo nào của chị, của anh, của cô út… những hơi ấm từ thời họ truyền lại cho tôi đến trường, đi theo mẹ ra chợ.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Từ bữa ấy, tôi thích nhất là trốn ngủ trưa để đi lên đồi cỏ. Phải gọi nơi đây là thảo nguyên mới đúng bởi khi đó chỉ thấy cỏ mọc miên man, xa tắp. Tôi chạy trên cỏ, cỏ đã khô hanh, cỏ găm đầy áo. Tôi về ngồi trước hiên nhà, gỡ mãi không hết cỏ, tôi bảo mẹ: “Con mặc áo này nóng hết người mẹ ạ”. Mẹ cười nhìn tôi: “Vì con chạy trên đồng cỏ chứ sao?”. Tôi đã nhận ra, hơi ấm đó từ niềm vui của mình, từ đó, những trưa mùa đông không còn giá lạnh, buồn tẻ nữa. 
Rồi tôi lớn lên, mẹ mua cho tôi tấm áo len ở chợ để mặc đến trường. Mẹ lại đan áo vào những buổi trưa tôi xuống trường huyện để học. Mẹ lại tận dụng những sợi len thừa từ áo tôi, áo đứa em tôi để đan chiếc áo cho mình. Giờ tôi mới nhận ra, bao năm qua mẹ đâu có chiếc áo len nào, những gì ấm áp nhất mẹ đã dành cho mấy anh em tôi.
Trưa nay mùa đông, nắng đã hửng lên, nghiêng về sự ấm áp của mùa xuân. Tôi mua tặng mẹ chiếc áo len mới, mẹ cứ cầm nhìn ngắm mãi không nỡ mặc. Người phụ nữ suốt một đời vì chồng, vì con chưa bao giờ dám mặc một chiếc áo mới ấy chính là hơi ấm của đời tôi. Có mẹ đan áo giữa trưa mùa đông giá lạnh nên những cánh én mới về trên cánh đồng, lộc ngoài vườn mới nhú lên và một mùa xuân mới đã về. Mùa xuân từ tay mẹ dệt nên ngàn hoa tươi khoe sắc trong chính tâm hồn mình.
Trưa nay, tôi cứ ngỡ lại thấy mẹ ngồi đan áo!
BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.