Chư Pưh: Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà nhiều người dân ở huyện Chư Pưh có thu nhập ổn định, tích lũy vốn để phát triển kinh tế và xây dựng nhà cửa khang trang.
Mua thêm đất, xây nhà mới
Qua lời giới thiệu của cán bộ UBND xã Ia Le (huyện Chư Pưh), chúng tôi đến thăm gia đình chị Nay H’Len (làng Ia Bia). Trong căn nhà mới xây trị giá hơn 200 triệu đồng, Nay H’Uyn-con gái chị Nay H’Len-kể: “Trước đây, nhà em nghèo lắm, thiếu ăn thường xuyên và phải ở trong căn nhà bé xíu. Thấy gia đình khổ quá, năm 2018, mẹ em quyết định đi XKLĐ ở Ả Rập Xê Út. Qua bên đó, mẹ em làm giúp việc với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà mấy năm nay, 3 chị em chúng em không còn thiếu ăn, thiếu mặc. Mấy tháng trước, mẹ gửi về 200 triệu đồng rồi nhờ các cậu thuê người xây nhà mới. Được ở trong nhà xây kiên cố, chúng em vui lắm. Mẹ cũng thường xuyên gọi điện về dặn mấy chị em ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và nói sẽ làm thêm một thời gian nữa để sau này về mua đất làm rẫy”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã Ia Le có 60 người đi XKLĐ ở Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Malaysia, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhờ có công việc ổn định, lương cao nên họ đã tích góp, gửi tiền về chăm lo cuộc sống gia đình. Ông Lê Viết Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le-thông tin: “Những năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh trên một số cây trồng khiến thu nhập của dân trong xã giảm mạnh hoặc lâm vào cảnh nợ nần. Do đó, có nhiều người đăng ký đi lao động ở nước ngoài. Thời gian qua, đa phần các gia đình có người đi XKLĐ có cuộc sống ổn định hơn, trả xong nợ nần trước đây. Đặc biệt, vài hộ có 3-4 người thay nhau đi XKLĐ, hiện xây được nhà trị giá vài tỷ đồng, mua sắm những vật dụng đắt tiền như xe ô tô”.
Ngôi nhà xây khang trang của gia đình chị Nay H’Len (làng Ia Bia). Ảnh: Thiên Di
Ngôi nhà xây khang trang của gia đình chị Nay H’Len (làng Ia Bia, xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: Thiên Di
Tương tự, tại xã Ia Hrú, cuộc sống của 9 hộ dân có người thân XKLĐ đã thay đổi đáng kể. Điển hình là gia đình chị Rơ Mah H’Túi (thôn Thông B). Từ nguồn tiền tích lũy trong quá trình làm việc tại Ả Rập Xê Út, gia đình chị H’Túi đã mua được mấy con bò cùng 2 sào lúa và xây nhà kiên cố. 
Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh, trong giai đoạn 2015-2020, toàn huyện có 579 trường hợp đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính riêng năm 2019 có 120 trường hợp đi làm việc tại Ả Rập Xê Út, Malaysia, Đài Loan qua 4 công ty được tỉnh cấp phép tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm có thời hạn ở nước ngoài. Ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho hay: “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn, nhất là công tác đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài luôn được huyện chú trọng nhằm mở hướng thoát nghèo bền vững cho người dân. Nhiều năm nay, chúng tôi đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các công ty trong nước để tuyển chọn, đưa lao động đi làm ở nước ngoài. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, đa phần các gia đình có người thân đi XKLĐ trong những năm qua đều có thu nhập ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo. Đây là một tín hiệu vui để huyện tiếp tục triển khai công tác này trong thời gian tới”.
Tiếp tục quan tâm công tác XKLĐ
Chư Pưh từng là thủ phủ cây hồ tiêu của tỉnh. Loại cây trồng này từng giúp hàng ngàn hộ dân địa phương có cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, kinh tế thế giới suy thoái cộng với việc cây hồ tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh đã khiến người dân Chư Pưh lâm vào cảnh khốn khó. Để khôi phục kinh tế, song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm hướng giải quyết việc làm cho hơn 41.000 người trong độ tuổi lao động. 
Xác định công tác đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài là giải pháp quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, từ năm 2010, Huyện ủy, UBND huyện Chư Pưh đã ban hành các kế hoạch, chương trình và thành lập Ban Chỉ đạo nhằm triển khai có hiệu quả công tác này. Hơn 1.000 lượt người đăng ký đi XKLĐ/năm cho thấy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động người dân của các cấp chính quyền địa phương. Cùng với đó, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Chư Pưh cũng đã giải quyết cho hàng trăm lượt lao động vay vốn để đi làm ở nước ngoài. Đơn cử như năm 2019, có 52 trường hợp được ngân hàng cho vay vốn với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Huyện Chư Pưh phối hợp với doanh nghiệp đưa người dân đi XKLĐ (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Thiên Di
Huyện Chư Pưh phối hợp với doanh nghiệp đưa người dân đi XKLĐ (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Thiên Di
Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh cho biết: “2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều lao động phải trở về trước thời hạn. Trong khi đó, thống kê từ các xã cho thấy, nhu cầu người dân đi XKLĐ khá cao. Các công ty đưa người đi lao động nước ngoài cũng thường xuyên liên lạc đề nghị chúng tôi phối hợp đưa lao động đi làm ở một số nước châu Á. Mới đây, một công ty đề nghị vài trăm người đi làm việc ở Nhật Bản trong năm nay nhưng chúng tôi chưa thể triển khai do dịch Covid-19 còn phức tạp”.
Đề cập đến định hướng của địa phương trong công tác đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, ông Siu Y Bé-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-thông tin: “Từ năm 2019 trở về trước, huyện Chư Pưh luôn dẫn đầu tỉnh về số lượng lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Điều này đã góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung XKLĐ sang các thị trường có tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc…”.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.