Một thời cơm độn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơm độn khoai, mì, bắp vốn là món ăn của những gia đình nghèo khó ngày xưa, nhưng gần đây được đưa vào thực đơn của một số nhà hàng, quán ăn, nhất là các nhà hàng thực dưỡng (tức chỉ ăn thuần thực vật). Nhiều người nói, đây là món ăn của thời bao cấp, nhưng đến thế hệ đầu 8X như chúng tôi sinh ra ở những làng quê nghèo, đây còn là hương vị của tuổi thơ.
Có lẽ do nguyên liệu được chọn lọc hơn và không nấu bằng nồi gang trên bếp rơm hoặc bếp trấu nên cơm độn trong nhà hàng khác xa so với huơng vị cơm độn suốt tuổi thơ chúng tôi từng ăn. Việc đem món ăn của ký ức ra để kinh doanh ẩm thực cho thấy món ăn tuy đơn giản, mộc mạc nhưng được nhiều người cất giữ như một kỷ niệm riêng tư. Ký ức cơm độn sâu đậm đến như vậy trong tâm trí nhiều người, vì đây là món ăn gợi nhớ, nhớ thời khốn khó, nhớ mẹ, nhớ bà, nhớ quê hương bản quán.
Cơm độn khoai được đưa vào thực đơn trong nhà hàng ở Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giang
Cơm độn khoai được đưa vào thực đơn trong nhà hàng ở Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giang

Tôi sinh ra tại làng thuần nông nghèo ở xứ Thanh. Suốt cả tuổi thơ, hầu như chưa bao giờ được ăn cơm trắng mà thường ăn cơm độn khoai, mì và có khi là rau má. Nồi cơm thường chỉ có một phần gạo và 2-3 phần khoai hoặc mì lát phơi khô, nấu trong nồi gang, dùng rơm bắt lửa và phải canh vừa nước, vừa lửa cho đến khi cơm chín.

Ăn cơm độn nhiều đã ngán, nếu nấu nhão hoặc nấu bị sống thì càng rất khó ăn. Có lần, anh trai tôi nhìn nồi cơm xong quay sang nói với mẹ: “Dù đang rất đói nhưng con không thể nuốt nổi mẹ ạ”. Bây giờ, nhìn thấy nồi cơm độn ở đâu đó, tôi hay nhớ đến anh trai mình. Và hơn hết, tôi nhớ tình cảm thương nhau không để đâu cho hết của cả nhà trong những năm tháng khốn khó ấy.

Quê tôi ngoài cây lúa thì bà con trồng thêm khoai hoặc bắp để chăn nuôi. Có năm mất mùa khoai, bố tôi phải đạp xe mấy chục cây số đến một huyện trồng chuyên canh cây mì để đổi lúa lấy mì về thái lát hoặc nạo ra phơi khô để độn thêm vào cơm. Cơm độn mì khó ăn hơn cơm độn khoai và phải biết cách nấu, nếu không nồi cơm sẽ vừa nhão vừa khê có mùi nồng ngái.
Có khi để đổi bữa, mẹ tôi cùng các dì ra ngoài đồng hái thêm rau má về rửa sạch, thái nhuyễn rồi xào lên với chút mỡ heo, xới lưng chén cơm ra trộn thêm rau cho đầy bát để ăn cho no bụng. Bữa đầu lạ miệng, chúng tôi ăn khá ngon lành. Nhưng chỉ được 2-3 bữa, sau đó nghe mùi ngai ngái của rau má thái nhuyễn là thấy sợ.
_Người ăn thực dưỡng thường hay độn các loại hạt, củ quả vào cơm để tăng cường dinh dưỡng
Người ăn thực dưỡng thường hay độn các loại hạt, củ quả vào cơm để tăng cường dinh dưỡng. Ảnh: Minh Châu
Ấy vậy nhưng trong lòng nhiều người lại cất giữ hương vị của nồi cơm độn rất sâu đậm. Thời gian có trôi xa miền ký ức ấy bao lâu, cuộc đời đã nếm trải bao nhiêu món ngon trên các bàn tiệc, nhưng chỉ chợt nhìn thấy nồi cơm trắng độn vào mấy khúc khoai lang vàng ruộm hay vài lát củ mì trắng ngà, ký ức lập tức ùa về, có thể chỉ thoáng qua rồi trôi tuột đi giữa bao nhiêu náo nhiệt, nhưng cũng có khi níu lấy ta trong bao nhiêu hoài niệm của một thời cơm không đủ no, áo không đủ mặc.
Cơm độn có hương vị của ký ức, của một đời sống còn thiếu thốn đủ bề nhưng kỳ lạ là chẳng mấy ai thấy khổ. Chỉ có nỗi nhớ cồn cào, da diết mỗi khi hình ảnh nồi cơm độn khoai bất chợt hiện về. Người ta gọi những món ăn đi vào ký ức đó là nhân vị, nó không đơn thuần là món ăn nữa. Và cũng không phân biệt sang hèn hay giàu nghèo, đã là nhân vị thì chỉ duy nhất, nó khiến con người ta có những phút cúi đầu nhìn lại quê hương, tình cảm gia đình. Vì thế, cũng có đôi lúc sống chậm lại chỉ vì nhìn thấy một món ăn từng ước không bao giờ phải ăn nữa, nhưng lại không muốn quên đi hương vị.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.