"Chất lính" làm kinh tế thu tiền tỷ mỗi năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ một người lính có hoàn cảnh khó khăn, ông Trình Văn Sỹ đã tích cực lao động sản xuất và thành công với nhiều mô hình làm giàu chính đáng.

Từ nghèo khó đã trở nên giàu có và tích cực với công tác xã hội, đó là tấm gương vượt khó, giàu lòng nhân ái của ông Trình Văn Sỹ ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, một người lính Cụ Hồ về với đời thường đã tích cực lao động sản xuất làm giàu chính đáng.

Là chủ trang trại trồng 1,5 ha cây sầu riêng và quản lý 2 bến đò khách với nguồn thu nhập 3-4 tỷ đồng/năm nhưng mọi người khá bất ngờ khi biết ông Trình Văn Sỹ xuất thân là bộ đội xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn.

 

Ông Trình Văn Sỹ thu hoạch vườn sầu riêng.
Ông Trình Văn Sỹ thu hoạch vườn sầu riêng.


Năm 1985, khi rời quân ngũ về địa phương, vợ chồng ông Trình Văn Sỹ chỉ có 3 công đất vườn. Thời điểm đó, vùng cù lao Ngũ Hiệp đi lại rất khó khăn, khó có điều kiện phát triển kinh tế. Hàng ngày, ông Sỹ phải đi làm thuê với đủ nghề như khuân vác, chạy xe ôm, phụ hồ…Với 3 công đất vườn cha mẹ cho, ông Sỹ dành dụm tiền cải tạo và trồng cây quít đường.

Nhờ tích cực chăm sóc nên vườn quýt liên tục trúng mùa, trúng giá, gia đình ông Sỹ phất lên, tích lũy được vốn và sang nhượng thêm đất để trồng sầu riêng. Đến nay, ông Sỹ đã có được 1,5 ha sầu riêng Ri6. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ cho năng suất cao, đạt sản lượng khoảng 15 tấn trái, ông Sỹ có lãi trên 1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh làm kinh tế vườn, ông Trình Văn Sỹ còn trúng thầu  khai thác theo hình thức BOT các bến đò ở huyện Cai Lậy như Tam Bình- Ngũ Hiệp, Cái Bè- Tân Phong. Từ việc kinh doanh vận tải này, mỗi năm đem lại cho gia đình nguồn thu 2-3 tỷ đồng. Có được thành quả  như hôm nay là sự phấn đấu không ngừng của ông Trình Văn Sỹ. Đó là tinh thần hăng say, sáng tạo, ý chí vươn lên trong lao động sản xuất, không chịu đói nghèo, lạc hậu.

“Trong thời gian đi bộ đội, tôi luôn học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Về đời thường tằn tiện làm ăn cũng may mắn trúng mùa sầu riêng nên cuộc sống trở nên khá giả. Khi đã tích lũy được vốn từ làm vườn, sản xuất, gia đình có điều kiện giúp được nhưng hộ nghèo, kinh tế còn khó khăn”, ông Sỹ chia sẻ.

Có được cuộc sống khá giả, ông Trình Văn Sỹ còn tích cực tham gia hoạt động xã hội tại địa phương. Hiện ông là một mạnh thường quân của  xã Tam Bình và Ngũ Hiệp, mỗi năm đóng góp gần 400 triệu đồng để giúp 2 địa phương này xây dựng nông thôn mới, xây nhà tình nghĩa, tình thương. Đặc biệt, ông Sỹ còn đứng ra thành lập Phòng thuốc Nam từ thiện tại xã Tam Bình, để phục vụ cho bệnh nhân nghèo tại địa phương.  

Nhận xét về tấm gương vượt khó của ông Trình Văn Sỹ, ông Phan Văn Chót-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Hiệp cho biết, những năm qua ông Sỹ luôn là hội viên Hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã.

“Ông Sỹ đã đóng góp nhiều vật chất, ngày công, của cải để cùng Đảng bộ xã xây dựng xã phong trào nông thôn mới. Cùng với đó, ở địa phương, ông Sỹ luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng- Nhà nước”-ông Chót cho biết.

Nói về kế hoạch trong tương lại, ông Trình Văn Sỹ cho biết, sắp tới sẽ đầu tư phát triển vườn sầu riêng chất lượng hơn, gắn với du lịch sinh thái để tiếp tục làm giàu cho gia đình và làm công tác xã hội.

“Hướng tới đây tôi sẽ mua một xe cấp cứu hơn 600 triệu đồng để chuyển bệnh miễn phí cho người nghèo không có điều kiện. Về làm vườn tôi sẽ phát triển du lịch sinh thái, kêu gọi đầu tư về đây làm du lịch nông thôn mới để người dân phát triển”-ông Sỹ cho biết.

Với những nỗ lực trong sản xuất kinh doanh và công tác từ thiện xã hội, ông Trình Văn Sỹ đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen cũng như Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh và Hội nông dân tỉnh Tiền Giang… Ông Sỹ chính là tấm gương người lính biết vươn lên làm kinh tế khá giả trong thời bình.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.