Kể cả nông sản hữu cơ cũng lo "bí" đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) của Việt Nam ngày càng được mở rộng song vấn đề ổn định đầu ra luôn là mối lo của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực tế, người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà vì giá thành sản phẩm khá cao, trong khi muốn xuất khẩu doanh nghiệp cũng không dễ xin các chứng nhận hữu cơ quốc tế...
Vẫn lo đầu ra
Theo ông Hà Phúc Mịch- Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, diện tích sản xuất NNHC ở Việt Nam đang được mở rộng. Tới cuối năm 2018, ước tính có gần 12.000ha sản xuất NNHC, trong khi cách đây một năm chỉ có khoảng 8.000ha. Không chỉ gia tăng diện tích sản xuất mà các sản phẩm NNHC cũng được đa dạng như quế, gừng, tỏi, chè, gạo, sữa, điều…
 Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn gặp khó khăn về đầu ra (ảnh: Mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Lâm Đồng). Ảnh: I.T

Bộ NTPTNN cũng triển khai nhiều biện pháp khuyến khích sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, chọn sản xuất sản phẩm bản địa đặc sản, kiên quyết không phát triển tràn lan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực học hỏi các nước có nền sản xuất NNHC tiên tiến...


Tuy nhiên, ông Mịch bày tỏ lo ngại khi NNHC vẫn là ngành hàng "non trẻ", đầu ra bấp bênh. Ông cho biết, năm 2018, lần đầu tiên hiệp hội này cùng với Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức đoàn gồm 7 doanh nghiệp tham gia một hội chợ về NNHC ở Đức, tuy nhiên để đẩy mạnh xuất khẩu cần phải cố gắng nhiều hơn.
Được biết, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn rất mới, các hoạt động áp dụng và chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ, công bố, gắn nhãn sản phẩm hữu cơ... gần như chưa được điều chỉnh bởi các văn bản pháp quy do các cơ quan quản lý nhà nước  ban hành. Ông Vũ Nam Thái - người sáng lập mô hình góp vốn sản xuất rau, thịt hữu cơ (trang trại 7A), cho hay nhu cầu thực phẩm hữu cơ là có thật nhưng thị trường khá nhỏ, tăng trưởng chậm hơn so với số người tham gia sản xuất. Ở phương diện phân phối, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho thực phẩm hữu cơ nhưng đòi hỏi đó phải là hữu cơ đích thực. Bởi vậy, thị trường NNHC đang xảy ra nghịch lý là người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhưng không biết mua ở đâu, trong khi đó sản xuất NNHC hiện nay quy mô còn nhỏ nhưng vẫn khó tìm đầu ra.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit cho rằng, muốn xác lập được vị trí và tạo sự tin cậy trong lòng khách hàng, nhà kinh doanh sản phẩm hữu cơ cần ít nhất 3 năm tiếp thị quảng cáo liên tục, cho khách hàng tự trải nghiệm. Phải làm thật, bảo đảm chất lượng thật và chứng minh cho khách hàng thấy để đóng dấu thương hiệu, từ đó ổn định và mở rộng đầu ra. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty CP Sản xuất Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, doanh nghiệp này phải bỏ ra khoản chi phí gần 4 tỷ đồng để xin chứng nhận hữu cơ quốc tế Organic. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có đơn vị nào chứng nhận.
Cần có tiêu chuẩn đánh giá riêng
Để ngành hàng này phát triển theo đúng định hướng đề ra, ông Hà Phúc Mịch kiến nghị, UBND các tỉnh, thành phố cả nước cần sớm triển khai đưa Nghị định 109/2018/NĐ-CP NNHC vào thực tiễn địa phương. Cạnh đó, cần sớm ban hành chính sách khuyến khích phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, dự án sản xuất NNHC tại địa phương. Đề ra mục tiêu là xây dựng được các thương hiệu nông sản hữu cơ lớn theo nhu cầu thị trường. Có quy hoạch và xây dựng vùng thâm canh sản phẩm NNHC đủ lớn để có sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu…
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá: Ngành NNHC Việt Nam rất tiềm năng vì xu hướng tiêu dùng thế giới đang ưa chuộng sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản hữu cơ không chỉ là hoạt động tham gia hội chợ. Vì vậy, Hiệp hội NNHC Việt Nam cần đề xuất đề án, chương trình xúc tiến thương mại nâng cao năng lực cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ cho doanh nghiệp, trang trại đạt chứng chỉ, quy trình hữu cơ quốc tế. "Nếu doanh nghiệp cứ chăm chăm đi hội chợ quốc tế mà không trang bị các chứng chỉ, nâng cao chất lượng sản phẩm thì chỉ ném tiền qua cửa sổ" - ông Phú nhấn mạnh.
Trước các đề xuất trên, ông Nguyễn Quốc Toản - quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) - cho biết:  Bộ này đang gấp rút hoàn thành thông tư hướng dẫn về sản xuất, tiêu chuẩn đánh giá về sản phẩm NNHC... trong đó, tập trung tăng cường hiệu quả của truyền thông, cho cả người sản xuất và sử dụng sản phẩm NNHC; tiến hành đồng bộ các giải pháp: đất đai, công nghệ sinh học, đa dạng hóa sinh học và môi trường sinh thái bền vững.
Hạnh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.