Chư Pah: Hướng đến thương hiệu sầu riêng sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sầu riêng vốn là loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Do đó, huyện Chư Pah (Gia Lai) đã thành lập tổ liên kết trồng sầu riêng sạch ở xã Hòa Phú nhằm tăng giá trị cho cây trồng và hướng đến xây dựng thương hiệu. Bước đầu, các hộ tham gia tổ liên kết đã có thu nhập ổn định.

 

Vài năm trở lại đây, khi cà phê không còn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như trước, một số hộ dân ở xã Hòa Phú đã trồng xen canh sầu riêng trong vườn cà phê. Từ những vụ thu hoạch đầu tiên, thấy cây sầu riêng cho quả sai, năng suất cao, chất lượng quả ngon và được thị trường ưa chuộng, nhiều hộ bắt đầu chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng sầu riêng hoặc trồng xen. Bà Nguyễn Thị Hồng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú-cho biết: Nhận thấy sầu riêng Hòa Phú có thể xây dựng thương hiệu đặc sản, tháng 1-2019, Hội Nông dân xã đã vận động các hộ tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc sầu riêng làng Bới (thường gọi là Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch). Bước đầu, Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch đã thu hút được 10 hộ ở làng Bới tham gia, chủ yếu là trồng xen trong vườn cà phê. Hộ nhiều trồng xen hơn 200 cây, hộ ít cũng vài chục cây, chủ yếu là giống sầu riêng Ri 6, sầu riêng Thái và sầu riêng sữa. Đây là những loại sầu riêng rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, đang được thị trường ưa chuộng, giá bán lại cao. Từ đầu vụ mới năm nay, nhiều hộ đã trồng thêm, nâng diện tích trồng xen của tổ liên kết lên hơn 15 ha.

  Vườn sầu riêng xen canh của chị Nguyễn Thị Nhơn (làng Bới, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah) cho thu nhập bình quân 500-700 triệu đồng/năm. Ảnh: V.T
Vườn sầu riêng xen canh của chị Nguyễn Thị Nhơn (làng Bới, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah) cho thu nhập bình quân 500-700 triệu đồng/năm. Ảnh: V.T



Theo bà Hồng, trung bình 1 ha cà phê các hộ trồng xen được 300 cây sầu riêng. Với giá bán khoảng 60-65 ngàn đồng/kg như hiện nay, mỗi cây sầu riêng cho thu khoảng 2-3 triệu đồng/năm. Như vậy, 1 ha trồng xen có thể mang về nguồn thu từ 600 triệu đồng đến 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí chăm sóc các hộ còn lãi khoảng 400-700 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Do đó, nhiều người dân đã tự chuyển đổi trồng xen sầu riêng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Nhơn-Tổ phó Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch làng Bới-cho hay, năm 2010 gia đình chị mạnh dạn trồng gần 200 cây sầu riêng trong vườn cà phê, hiện đã có thu nhập ổn định 500-700 triệu đồng/năm. “Từ khi tham gia vào Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch, tôi luôn tuân thủ quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, dùng các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu sinh học, đảm bảo cho ra nguồn hàng sạch từ sản xuất đến thu hoạch. Nhờ đó, sầu riêng ít bị sâu bệnh, cho quả rất sai, mỗi quả đạt trọng lượng từ 3 kg đến 7 kg. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, thương lái đến thu mua ổn định và cao hơn thị trường 5-10 ngàn đồng/kg. Hiện tại, sầu riêng đang vào cuối vụ thu hoạch, ước tính sản lượng đạt khoảng 12 tấn, mang về nguồn thu hơn 700 triệu đồng”-chị Nhơn phấn khởi nói.           

Theo thống kê sơ bộ, xã Hòa Phú hiện có khoảng 5.300 cây sầu riêng trồng xen canh cà phê, trong đó khoảng 1.200 cây của các hộ tham gia vào tổ liên kết. Bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah cho biết: “Vừa qua có một doanh nghiệp đến tìm hiểu về quy trình sản xuất của người dân, sau đó đặt vấn đề cung ứng giống và cam kết thu mua sản phẩm để chế biến và xuất khẩu. Đây thực sự là tin vui cho các thành viên trong tổ liên kết, đồng thời là cơ hội tốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng sạch Hòa Phú, qua đó góp phần nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân, từng bước chuyển đổi cây trồng một cách hợp lý và hiệu quả”.

 VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm

Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.