Vải thiều chín sớm hơn một tháng, nông dân Đắk Lắk thu lãi cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhờ lợi thế chín sớm khoảng 1 tháng so với cây vải thiều ở các tỉnh phía Bắc nên nông dân Đắk Lắk gặp nhiều thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm với giá bán dao động từ 45.000-65.000 đồng/kg.
Vải thiều Đắk Lắk chín sớm khoảng 1 tháng so với vải thiều ở các tỉnh phía Bắc. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Vải thiều Đắk Lắk chín sớm khoảng 1 tháng so với vải thiều ở các tỉnh phía Bắc. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Nông dân tỉnh Đắk Lắk đang thu hoạch vải thiều niên vụ 2023-2024. Nhờ lợi thế chín sớm khoảng 1 tháng so với cây vải thiều ở các tỉnh phía Bắc nên nông dân Đắk Lắk gặp nhiều thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Năm nay, giá vải thiều tăng cao giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đây cũng là cây trồng mang lại nhiều triển vọng, hiệu quả trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Xóa đói giảm nghèo

Cây vải thiều bén duyên với nông dân Đắk Lắk khoảng 20 năm nay. Vải là cây chịu được khô hạn, dễ thích nghi với điều kiện môi trường bất lợi của mùa khô Tây Nguyên. Nông dân ở nhiều vùng khô cằn, đất sỏi pha cát ở các địa phương trong tỉnh như Ea Kar, M’Drắk, Krông Năng, Krông Bông… đã chuyển sang trồng cây vải thiều từ nhiều năm nay và cho hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình bà Hồ Thị Thảo, xã Ea Sar, huyện Ea Kar trồng 6ha vải thiều khoảng 13 năm. Năm nay, gia đình bà thu được 30 tấn vải, giá bán dao động từ 45.000-65.000 đồng/kg, giúp gia đình có đời sống ổn định. Không những vậy, mùa thu hoạch vải, gia đình bà Thảo còn tạo việc làm cho người dân địa phương, với 20 nhân công/ngày, giá thuê 40.000 đồng/giờ/nhân công.

Theo bà Thảo, cây vải trồng không tốn nhiều công chăm sóc, song cho hiệu quả kinh tế cao. Đầu ra của cây vải ổn định, từ đó, gia đình chú trọng trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP để thuận lợi trong xuất khẩu sản phẩm.

Cùng quan điểm về hiệu quả của cây vải, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar) cho biết, gia đình trồng xen hơn 1ha vải thiều. Năm nay, vải mất mùa song giá tăng cao, gia đình vẫn có lãi.

Chị Linh chia sẻ so với nhiều cây trồng khác như càphê, sầu riêng thì cây vải chăm sóc không vất vả, giá bán 20.000-30.000 đồng/kg thì nông dân đã có lãi. Do đó, gia đình chị dự kiến sẽ mở rộng thêm 2ha trồng vải thiều xen với cây nhãn để nâng cao thu nhập.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch vải thiều niên vụ 2023–2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch vải thiều niên vụ 2023–2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Năm nay, hầu hết các vườn trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị mất mùa, sản lượng giảm 30-50% so với năm trước do thời tiết khô hạn kéo dài. Song giá vải được các thương lái thu mua từ 45.000-60.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với vụ thu hoạch niên vụ 2022 - 2023 nên người trồng vải vẫn có thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình, huyện Ea Kar, cho biết hợp tác xã được thành lập năm 2021, có 16 thành viên chính thức và liên kết với 50 hộ trồng vải. Được thiên nhiên ưu đãi, vùng đất Ea Kar hợp với cây vải, cho chất lượng, mẫu mã đạt tiêu chuẩn. Trừ chi phí, cây vải cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên hợp tác xã và nông dân.

Từ lợi thế và tiềm năng của cây vải thiều, nhiều vùng thường xuyên bị thiếu nước, nắng hạn, đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng loại cây này. Nhiều địa phương cũng đã xác định cây vải thiều là một trong những cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo, từ đó có kế hoạch, giải pháp phát triển bền vững.

Đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 3.075 ha trồng vải thiều; trong đó, diện tích cho thu hoạch là 1.687 ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 17.357 tấn. Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương… Sản phẩm vải thiều của tỉnh Đắk Lắk cũng đã xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, tuy nhiên số lượng xuất khẩu còn ít.

Vải thiều ở Đắk Lắk cho vị ngọt thanh, quả to, chín sớm nên giá thu mua cao, đầu ra ổn định. Quá trình trồng vải, nông dân đã chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nên những mô hình đặc trưng của địa phương.

Tuy nhiên, trong phát triển cây vải, tỉnh gặp một số khó khăn như tốc độ phát triển còn chậm, quy mô nhỏ, lẻ, chưa được quy hoạch phát triển thành vùng chuyên canh lớn; cây vải cần nước vào thời kỳ trổ hoa đến nuôi trái, mà giai đoạn này rơi vào mùa khô Tây Nguyên, nếu thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Mặt khác, tuy đã được xuất khẩu chính ngạch song trên địa bàn mới chỉ có 13 mã số vùng trồng vải được thiết lập ở hai huyện Krông Năng và Ea Kar, với tổng diện tích gần 157ha.

Nông dân xã Ea Sar (Ea Kar, Đắk Lắk) thu hoạch vải. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Nông dân xã Ea Sar (Ea Kar, Đắk Lắk) thu hoạch vải. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Theo Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ea Kar Võ Đăng Vũ, trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.023ha trồng vải, có một hợp tác xã chuyên sản xuất, cung ứng 45.000 cây giống/năm; một hợp tác xã và 2 tổ hợp tác chuyên sản xuất vải thiều. Dù có nhiều tiềm năng song trên địa bàn hiện mới xây dựng được 4 mã số vùng trồng cho 48,5ha vải thiều; có 103ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Võ Đăng Vũ nhấn mạnh sản phẩm vải thiều chủ yếu xuất thô. Do đó, thời gian tới, huyện kêu gọi đầu tư, xây dựng nhà máy, chú trọng sơ chế, chế biến sâu sản phẩm vải thiều. Huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, huyện định hướng xây dựng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại xã Ea Sô, xã Ea Sar gắn với cây vải để phát triển bền vững. Phấn đấu trong thời gian tới, huyện Ea Kar có container xuất khẩu quả vải chính ngạch đầu tiên của tỉnh.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cùng các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ quả vải chín sớm; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hắc Hiển cho biết vải là cây trồng có nhiều lợi thế, tiềm năng, giúp nông dân đa dạng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, sản xuất tập trung, rà soát lại những vùng phù hợp để phát triển cây vải thiều theo hướng bài bản, có quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chứng nhận; chú trọng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng vải để phát triển với số lượng lớn, bảo đảm chất lượng xuất khẩu; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng để truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhằm phát huy lợi thế vải chín sớm tại địa phương.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo, người dân thận trọng khi mở rộng diện tích trồng mới, không đầu tư vào những vùng kém hiệu quả mà chú trọng thâm canh các vườn đang cho năng suất ổn định.

Có thể bạn quan tâm