Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nông dân ở huyện Chư Sê đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao mang lại thu nhập ổn định.
 

Tháng 10-2019, anh Nguyễn Đình Thanh (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chọn thí điểm trồng dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới tự động. Anh Thanh đã phá bỏ 3 sào cà phê già cỗi để lấy đất thực hiện mô hình. Được ngân sách huyện hỗ trợ 80 triệu đồng, anh đầu tư thêm 120 triệu đồng nữa để xây dựng 1.000 m2 nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng thí điểm 2.800 bầu dưa lưới giống Queen Nhật Bản. Trong quá trình thực hiện mô hình, anh được cán bộ khuyến nông huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn dưa.

 Vườn dưa lưới của gia đình anh Nguyễn Đình Thanh (thị trấn Chư Sê) phát triển tốt và cho thu nhập khá. Ảnh: P.N
Vườn dưa lưới của gia đình anh Nguyễn Đình Thanh (thị trấn Chư Sê) phát triển tốt và cho thu nhập khá. Ảnh: P.N


Anh Thanh cho biết: Ưu điểm của việc trồng cây trong nhà màng là hạn chế được cỏ dại, sâu hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực. Bên cạnh đó, việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt vừa điều tiết nước tưới vừa cung cấp phân bón đầy đủ cho cây, nhờ đó giúp cây phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao. Trung bình 1 sào dưa lưới cho năng suất 3 tấn, mỗi năm trồng được 4 vụ, với giá bán 40.000-60.000 đồng/kg, sau mỗi đợt thu hoạch trừ chi phí cũng mang lại cho gia đình anh Thanh một nguồn thu nhập khá. “Hiện tôi đã mở rộng thêm 1.000 m2 nhà màng để trồng dưa lưới và dự định sẽ trồng hết 1.000 m2 đất còn lại. Để nâng cao giá trị sản phẩm, tôi sẽ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi vì trồng dưa trong nhà màng rất sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, sản phẩm đáp ứng về mặt chất lượng và an toàn thực phẩm”-anh Thanh chia sẻ.

Còn gia đình ông Phan Viết Dũng (tổ 4, thị trấn Chư Sê) lại được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lựa chọn thực hiện mô hình “Trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao”. Ông Dũng đã đầu tư gần 200 triệu đồng (trong đó huyện hỗ trợ 40% kinh phí) để mua sắt, thép dựng 1.000 m2 nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, mua cây giống. Sau 5 tháng canh tác, vườn măng tây bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Với diện tích này, gia đình ông thu hoạch khoảng 8 kg măng/ngày, với giá bán 60.000-80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. Ông Dũng cho biết: “Mô hình này hạn chế tác động của thời tiết và không bị côn trùng phá hoại. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng thêm nhà màng trồng măng tây để tăng sản lượng, vì với diện tích hiện tại thì sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường”.

Vườn măng tây của gia đình ông Phan Viết Dũng mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 8 kg măng. Ảnh: Phạm Ngọc
Vườn măng tây của gia đình ông Phan Viết Dũng mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 8 kg măng. Ảnh: Phạm Ngọc


Thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX về đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, Chư Sê đã triển khai đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025”. Trong đó, huyện định hướng xây dựng 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có liên kết theo chuỗi giá trị như: vùng sản xuất dược liệu tập trung (xã Ia Hlốp, Ia Ko, Ia Glai, Chư Pơng, Hbông và thị trấn Chư Sê); vùng sản xuất cây ăn quả có múi (xã Hbông, Ia Pal, Ia Tiêm, Ia Hlốp, Ia Glai và Al Bá); vùng trồng cây dâu tằm (xã Al Bá, Kông Htok, Chư Pơng, Ia Hlốp); vùng sản xuất rau củ quả an toàn (xã Ia Blang, Ia Hlốp, Ia Glai, thị trấn Chư Sê); vùng sản xuất hồ tiêu sạch (xã Chư Pơng, Ia Ko, Ia Glai); vùng sản xuất cà phê sạch (xã Dun, Ia Ko, Ia Glai, Chư Pơng, Bờ Ngoong, Ia Hlốp, Kông Htok, Al Bá, Ia Tiêm, thị trấn Chư Sê) và vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Ayun.

Trong năm 2020, huyện đã đầu tư gần 78,39 tỷ đồng để triển khai các dự án. Theo đó, diện tích cây ăn quả có múi là 50 ha, cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao 50 ha, rau ứng dụng công nghệ cao 2,5 ha, nấm ăn và nấm dược liệu 0,2 ha, mô hình nuôi gà liên kết với doanh nghiệp có quy mô 20 ngàn con, mô hình nuôi heo hữu cơ sử dụng đệm lót sinh học, nuôi trùn quế… Bên cạnh đó, huyện tập trung mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệp của các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ xây dựng cơ bản, mua sắm trang-thiết bị, máy móc, phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp liên kết với nông dân phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hiện nay, người dân đã có ý thức chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Bước đầu, các mô hình như: trồng dâu nuôi tằm, cây ăn quả, cây dược liệu, dưa lưới, măng tây, trồng nấm… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, huyện sẽ hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất cho người dân. Bên cạnh đó, huyện kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với các hộ dân tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tất cả các khâu: trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế biến và tiêu thụ.

 PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.