Ayun Pa tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phần lớn các hợp tác xã (HTX) ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) có quy mô nhỏ, gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tập hợp thành viên. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền thị xã đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để HTX nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Những năm gần đây, thị xã Ayun Pa đã đầu tư hỗ trợ các HTX thực hiện một số mô hình, dự án sử dụng giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, nhân rộng cánh đồng một giống… Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các HTX chủ yếu sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động dựa vào dịch vụ tưới tiêu lúa nước 2 vụ, cho thuê nhà kho, sân phơi... nên nguồn thu nhỏ, lợi nhuận thấp. Đặc biệt, hầu hết các HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực quản lý ở các HTX còn hạn chế, kém năng động. Hiện chỉ có 2 HTX hoạt động khá, 2 HTX trung bình và còn lại 5 HTX hoạt động yếu. Ước tính doanh thu bình quân các HTX đạt khoảng 861 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân của 1 HTX đạt khoảng 23 triệu đồng/năm.

 Ông Nguyễn Đình Long-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Lợi kiểm tra cánh đồng lúa Đài Thơm 8. Ảnh: Đức Phương
Ông Nguyễn Đình Long-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Lợi kiểm tra cánh đồng lúa Đài Thơm 8. Ảnh: Đức Phương

Thị xã Ayun Pa hiện có 9 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 984 thành viên, tổng vốn điều lệ khoảng 14,4 tỷ đồng. Trong đó có 6 HTX nông nghiệp, 2 HTX vận tải, 1 HTX xây dựng.

Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lợi (phường Hòa Bình) thành lập từ năm 1979 và đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Ông Nguyễn Đình Long-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX-cho biết: Hợp tác xã có 116 thành viên, chủ yếu là cung cấp nước tưới cho 160 ha lúa nước 2 vụ và dự báo sâu bệnh gây hại lúa cho người dân 3 phường: Cheo Reo, Hòa Bình và Đoàn Kết. Do thiếu vốn nên HTX chưa thể triển khai các dịch vụ hậu cần cho sản xuất nông nghiệp như: cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch...

Để các HTX phát triển bền vững, mới đây, UBND thị xã Ayun Pa đã tổ chức hội nghị đề xuất các giải pháp phát triển HTX giai đoạn 2021-2025 và thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể. Ông Bùi Hữu Tuấn-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã-cho hay: Khó khăn lớn nhất của các HTX là chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của HTX còn hạn chế, thiếu gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, thị xã sẽ ưu tiên nguồn lực phát triển HTX thông qua việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Cũng theo ông Tuấn, tự thân hội đồng quản trị các HTX cũng phải năng động hơn trong việc xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh rõ ràng, có chương trình, kế hoạch hoạt động thiết thực, tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm. Hơn hết, các HTX phải giúp các thành viên nhìn thấy được triển vọng, lợi nhuận và thuyết phục được họ tham gia góp vốn để cùng sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh-cho biết: Hiện nay, các HTX ở thị xã Ayun Pa còn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, năng lực sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chưa thể hiện vai trò sản xuất theo chuỗi giá trị...

Cũng theo ông Phong, để các HTX hoạt động ổn định, thời gian tới, thị xã Ayun Pa cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để hỗ trợ các HTX xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, thị xã làm cầu nối để các HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. “Liên minh HTX tỉnh sẽ hỗ trợ thị xã Ayun Pa về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX; đồng thời, tạo điều kiện cho các thành viên tham quan các mô hình HTX sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh”-Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh.

 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.