Đông Trường Sơn: Bệnh khảm lá vi rút hoành hành trên cây mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai hiện có hàng trăm héc ta mì mắc bệnh khảm lá vi rút. Để hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng, ngành chức năng và người dân đang nỗ lực tìm giải pháp phòng trừ.

Vụ Đông Xuân 2020-2021, bà con nông dân ở thị xã An Khê gieo trồng được 899 ha mì. Đến nay, trên địa bàn thị xã có gần 285 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút gây hại. Bệnh xuất hiện phổ biến trên giống mì HL-S11 và KM98-5.

  Ông Nguyễn Ngọc Duy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân An (thị xã An Khê) kiểm tra diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Gia Hưng
Ông Nguyễn Ngọc Duy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân An (thị xã An Khê) kiểm tra diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Gia Hưng


Ông Phạm Hải (thôn An Xuân 2, xã Xuân An) trồng 2 ha mì KM98-5 và HL-S11. Cây mì đã 5 tháng tuổi nhưng chỉ cao 20-40 cm. “Đây là giống mì tôi mua ở huyện Kông Chro về trồng trong vụ mùa năm 2020. Sau đó, tôi để lại làm giống thì nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Tôi đầu tư hơn 20 triệu đồng tiền cày đất, phân bón và công xuống giống. Hiện tại, tôi chưa biết xử lý như thế nào. Nếu phá bỏ thì mất trắng, còn để lại thì sản lượng cũng chỉ được khoảng 10 tấn củ tươi, trong khi vẫn phải đầu tư phân bón, công chăm sóc”-ông Hải lo lắng.

Cách rẫy của ông Hải không xa, hơn 7 sào mì của chị Trương Thị Nở cũng bị bệnh khảm lá vi rút. Chị cho hay: “Khi mì trồng được hơn 1 tháng thì nhiều cây bị xoăn ngọn, lá xuất hiện đốm trắng. Đây là giống KM98-5 mua của thương lái bán trên địa bàn xã. Vụ này coi như mất trắng. Tôi mong muốn cơ quan chuyên môn nghiên cứu giống mì mới có thể kháng bệnh hoặc chỉ dẫn những nơi cung cấp giống đảm bảo chất lượng để người dân sản xuất an toàn”.

Theo ông Phạm Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê, qua kiểm tra thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu xảy ra bệnh khảm lá vi rút trên cây mì là do người dân chủ quan trong khâu chọn giống và sử dụng hom mì từ vụ trước đã bị nhiễm bệnh. Mặt khác, người dân chưa thường xuyên thăm đồng, chưa phun thuốc tiêu diệt côn trùng môi giới gây hại khi mới xuất hiện bệnh. Ngoài ra, công tác tuyên truyền của các địa phương chưa tốt; Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy những diện tích bị nhiễm bệnh dẫn đến nguồn bệnh tiêu hủy không triệt để. “Trong những vụ tới, chúng tôi khuyến cáo người dân không sử dụng giống mì HL-S11 và KM98-5. Bà con nên sử dụng giống mì KM94 vì đây là giống có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, khả năng kháng bệnh cao. Đồng thời, chúng tôi cũng đã đề xuất với Sở Nông nghiệp và PTNT có kế hoạch khảo nghiệm giống mì mới, kháng bệnh để đưa vào thay thế dần các giống đã nhiễm bệnh”-ông Thành thông tin thêm.   

Một số diện tích mì tại huyện Krông Pa bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Lê Nam
Một số diện tích mì tại huyện Krông Pa bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Lê Nam


Ngoài thị xã An Khê, bệnh khảm lá vi rút cũng xuất hiện tại các huyện: Kbang, Kông Chro và Đak Pơ. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho hay: Ngay từ đầu vụ, các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo người dân không sử dụng giống mì HL-S11. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng là cơ hội để rệp, rầy, bọ phấn trắng phát triển. Theo ông Tình, vụ Đông Xuân 2020-2021, trên địa bàn huyện có hơn 50 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Đến nay, qua hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, người dân đã phá bỏ hơn 15 ha mì bị nhiễm bệnh nặng để chuyển sang trồng mía, hoa màu. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh nhẹ thì nhổ bỏ những cây bị bệnh và tiếp tục chăm sóc, bón phân hợp lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro-thông tin: Toàn huyện có hơn 8.700 ha mì. Trung tâm đang hướng dẫn người dân tiếp tục chăm sóc làm cỏ, bón phân để cho cây mì vượt qua ngưỡng gây hại. Tăng cường thăm đồng thường xuyên và khi thấy các đối tượng rầy rệp, bọ phấn trắng xuất hiện gây hại thì tiến hành xử lý bằng thuốc hóa học như: Abasuper1.8EC, Usagtox 360SC... pha theo nồng độ khuyến cáo.

 

 GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.