Giá cả có quyết định chất lượng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dân gian có câu: “Của rẻ là của ôi, của để đầu hồi là của vứt đi” hay “tiền nào của nấy”. Thế nhưng hiện nay, liệu rằng “của rẻ” có hẳn là “của ôi” và “của đắt” thật sự xứng tầm?
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Noel, tiếp đó là Tết Dương lịch rồi Tết Nguyên đán. Bởi vậy, đây được xem là thời điểm “ăn nên làm ra” của nhiều dịch vụ, cửa hàng liên quan đến làm đẹp, thời trang, đồ gia dụng, điện máy… Các hình thức khuyến mãi, giảm giá được liên tục tung ra nhằm đánh vào tâm lý của người mua hàng. 
Mới đây, một người bạn khoe với tôi hàng loạt tin nhắn thông báo khuyến mãi từ các shop quần áo, giày dép gửi về điện thoại; trong đó có một thương hiệu thời trang đang có mặt tại TP. Pleiku với mức giá giảm sâu đến 50%/sản phẩm. Ngay ngày đầu ưu đãi, bạn đã kéo tôi đến đó để chọn mua. Quả thật, quần áo thiết kế ở đây khá đẹp, chất lượng vải tốt, lại là thương hiệu nổi tiếng nên cách trưng bày sản phẩm ở khu vực giảm giá cũng khoa học và bắt mắt. Chỉ có điều, tất cả hàng sale đều là hàng lẻ size hoặc mẫu mã cũ. Cuối cùng, bạn quyết định mua một chiếc đầm không nằm trong danh mục sale. Không chỉ bạn tôi, một số khách hàng khác cũng rơi vào trường hợp tương tự, trong đó có nhiều người lần đầu ghé shop vì tấm poster khuyến mãi. Vậy mới thấy, hàng sale thường hướng đến một số đối tượng người mua nhất định và cũng là một thủ thuật của chủ thương hiệu nhằm thu hút và mở rộng lượng khách hàng tiềm năng.
Cuối năm là dịp các cửa hàng, thương hiệu đẩy mạnh chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo
Cuối năm là dịp các cửa hàng, thương hiệu đẩy mạnh chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo
Xu thế thị trường ngày càng có nhiều sự cạnh tranh chất lượng và giá cả trên cùng một mặt hàng. Tâm lý “tiền nào của nấy” vẫn luôn hiện hữu trong thói quen tiêu dùng. Anh D. hiện đang công tác tại một ngân hàng ở thị xã An Khê. Với sở thích sưu tầm đồ gốm hiện đại Á-Âu, nhiều năm qua, anh không tiếc bỏ ra số tiền lớn để mua chúng ở những cửa hàng lớn có thương hiệu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mới đây, anh đã “phải lòng” một shop đồ gốm nhỏ chỉ kinh doanh trên mạng xã hội với giá khá bình dân. “Ban đầu, tôi cũng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, vì vốn dĩ những thương hiệu đó, tôi từng mua với giá rất cao, chỉ một bộ tách trà bé xíu đã có giá gần chục triệu đồng. Tuy nhiên, vì chủ shop không yêu cầu phải chuyển khoản trước, lại còn được xem hàng rồi mới thanh toán nên tôi quyết định trải nghiệm thử. Và, khi nhận hàng, tôi đã rất bất ngờ về chất lượng, trong khi giá rẻ hơn đến 30%. Quan điểm của tôi cũng bắt đầu thay đổi từ đó. Tất nhiên, hàng chất lượng đi kèm với giá cao là điều hiển nhiên, song đôi lúc vẫn chưa thật sự xứng tầm”-anh D. chia sẻ.
Hơn 10 năm trước, khi còn làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tôi có cơ hội gặp gỡ với các doanh nhân nước ngoài trong lần tác nghiệp tại một hội thảo với chủ đề “Phát triển kinh doanh: Nghệ thuật và thủ thuật”. Qua chia sẻ của họ, tôi vỡ lẽ được nhiều thứ, trong đó có quan điểm: “Hạ giá chứng tỏ bạn không tin vào sản phẩm của mình nên đừng bao giờ bán rẻ sản phẩm!”. Họ cũng cho rằng, một bộ phận khách hàng luôn có tâm lý “của rẻ là của ôi”, vì vậy, nghệ thuật ở đây là phải làm cho hàng hóa trở nên xứng tầm với giá bán ra. Tức là, cùng một sản phẩm nhưng nếu người bán có sự nâng cấp về hình thức, chú trọng khâu chăm sóc khách hàng thì hoàn toàn có thể đưa ra thị trường với mức giá cao và thu về lợi nhuận lớn hơn. Đây cũng là phương thức bán hàng được nhiều người áp dụng khá hiệu quả. Chị P.T.T. (chủ một cửa hàng đồ lưu niệm ở TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi nhập hàng, tôi luôn chú trọng đến những món đồ độc, lạ, tính hữu dụng cao nhưng vẫn phải theo xu hướng. Giá niêm yết cao hơn các shop khác một chút nhưng sẽ kèm theo quà tặng nhỏ, đồng thời, đầu tư khâu gói hàng đối với những khách mua online. Vì vậy, khách vẫn chọn cửa hàng của tôi mặc dù giá không rẻ”.
Trên thị trường hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan; trường hợp lừa đảo khi mua hàng cũng không phải là ít. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là “khách hàng thông thái” khi mua sắm và cần xuy xét trong từng tình huống cụ thể để vừa không bị “tiền mất tật mang”, vừa không đánh mất cơ hội sở hữu những món hàng tốt.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.