Covid-19, Euro và tờ rơi cho vay tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cho đến ngày 29-6, Gia Lai là số ít tỉnh, thành còn khá “yên ổn” khi số ca mắc Covid-19 rất ít và không có ca mắc mới. Thầm lặng không dễ nhận thấy nhưng để có được kết quả đó, các ngành, địa phương trong tỉnh đã rất vất vả hành động với tinh thần cảnh giác, quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn, khống chế. Không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh nghĩa là người dân còn dễ thở, dễ chịu trong mọi hoạt động của cuộc sống. 
1. Cứ thấy các thành phố lớn thần tốc truy vết, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn, dập dịch… vất vả, mệt nhoài mới thấy nơi mình cư trú, địa phương mình may mắn lắm lắm! Tuy vậy, Covid-19 là đại dịch hết sức nguy hiểm nên ý thức, tinh thần cảnh giác của mỗi người phải được tăng cường và nâng cao, vì chỉ phút giây lơ là thì sẽ khó tránh được hậu quả, có khi là rất tai hại, nặng nề.
Như mấy ngày qua, khu vực phường Hội Phú (TP. Pleiku) chộn rộn hẳn lên việc mẹ con một nhà nọ xuống thăm người thân ở tỉnh Phú Yên về liên quan đến ca bệnh F0 và trở thành F1. Sau khi ngành Y tế phối hợp rà soát, sàng lọc, 2 trường hợp F1 này mới được đưa đi cách ly tập trung. Nhưng những người họ từng tiếp xúc nghiễm nhiên trở thành F2. Tôi không khỏi bất ngờ khi gia đình anh P. ở đầu đường vào nhà mình treo tấm biển có dòng chữ “cách ly y tế tại nhà”. Cách đó mấy chục mét, nhà chị T. cũng có trường hợp phải thực hiện cách ly y tế tương tự. Cập nhật thông tin tình hình từ đồng nghiệp, mừng là 2 ca F1 kia đã 2 lần âm tính. Nhưng lo thì vẫn lo vì vẫn còn sớm để có thể kết luận họ không còn mang mầm bệnh. Vì gia đình những trường hợp F2 đến mấy thế hệ, chẳng thể biết được mỗi ngày họ đi đâu, làm gì, tiếp xúc với ai… Và còn vì nhiều lý do khác nữa. Thôi thì cứ mừng cho mình và tin mọi chuyện rồi sẽ tiến triển tốt đẹp.
Những người không nằm trong vùng có nguy cơ cao được hướng dẫn cách ly tại nhà. Ảnh: Văn Ngọc
Những người không nằm trong vùng có nguy cơ cao được hướng dẫn cách ly tại nhà. Ảnh: Văn Ngọc
2. Giải Vô địch Bóng đá châu Âu (Euro) hiện đã đi hết vòng 1/8. Giải được tổ chức tại 11 thành phố ở 11 quốc gia, ban đầu dự kiến diễn ra từ ngày 12-6 đến 12-7-2020 nhưng đã hoãn do dịch bệnh và được lùi lại từ ngày 11-6 đến 11-7-2021. Với vòng đấu vừa rồi, nhiều người mê cá độ không khỏi vò đầu bứt tai khi “lỡ tay” bắt kèo trên với những anh hào vang danh: Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… để rồi “ngậm đắng nuốt cay” vì thua liểng xiểng.
Khỏi phải nói dân ta ghiền bóng đá như thế nào. Có lẽ cũng vì đam mê đó mà trò cá cược, cá độ bóng đá ra đời. Dĩ nhiên, vì là hoạt động bị cấm nên người giàu lên từ cá độ bóng đá thường “im hơi lặng tiếng” nhưng trường hợp “tán gia bại sản”, “mất nhà ra đê” thì nhãn tiền, không ít. Chưa ai thống kê nhưng từ thời điểm quả bóng lăn đến nay, chắc đã có không ít thảm cảnh vì thua độ. Dân Gia Lai từng xôn xao trước thông tin ông A. phải gán nợ nhà, con ông B. phải bỏ xứ vì nợ cá độ bóng đá. Cả những trường hợp tự tử, nhảy sông nhảy suối vì cùng đường, bế tắc mà nguyên nhân là do sa lầy vào cờ bạc, cá độ, ăn chơi.
Tai hại như vậy nhưng vì siêu lợi nhuận, bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, kẻ tổ chức cá độ, cho vay tiền cá độ dẫu biết vi phạm pháp luật song không dễ từ bỏ hành vi phạm tội của mình. Trong khi đó, những con bạc khát nước thường không có điểm dừng để nhận ra kết cục nhãn tiền sớm muộn cũng trở thành “bác thằng bần”. Đã “ớn lạnh” khi chứng kiến hậu quả đối với một số người tìm đến “tín dụng cột đèn”, nay thể dục buổi sáng thấy tờ rơi cho vay tiền “nhanh hơn một nốt nhạc” rải trắng trước cổng một số nhà, ngã ba, ngã tư, vòng xuyến, nơi đông người qua lại mà hãi hùng tưởng tượng thảm cảnh nếu ai đó lỡ sa chân vào cạm bẫy của đám bất lương. Và mùa Euro này, liệu bao nhiêu trường hợp thoát khỏi lưới giăng chết người của đám bất hảo? Trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan bảo vệ pháp luật là điều hiển nhiên, nhưng trên hết, bản thân mỗi người, mỗi nhà phải là một “pháo đài” trước cái xấu, cái ác, tránh xa cờ bạc, “tín dụng đen”!
3. Dịch Covid-19 hoành hành khiến bao người khó khăn, vất vả. Từ miếng cơm, manh áo đến giao lưu, đi lại, khám-chữa bệnh, học hành… cái gì cũng khó, cũng eo hẹp, bức bối. Chưa biết bao giờ dịch bệnh mới được dập tắt hoàn toàn. Chấp nhận sống chung với nó dài dài là tâm thế đã được xác định. Cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, tình người trong khó khăn đại dịch thật ấm nồng và đáng quý làm sao. Nhưng chung quy và chủ đạo, cái chính vẫn là nỗ lực của mỗi người, mỗi nhà. Sự ra đời của môn thể thao vua là một di sản, một thành tựu trong sự phát triển thể thao nói riêng, xã hội loài người nói chung. Vì vậy, hãy biết tận hưởng, sung sướng với bóng đá thay vì để mùa Euro giáng một đòn chí mạng vào cuộc sống của bạn và gia đình.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.