Chương trình "Bác sĩ nông học": Sân chơi của nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để phòng trừ dịch hại, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển nông nghiệp bền vững, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Bác sĩ nông học” tại huyện Chư Păh.

Ban tư vấn chương trình “Bác sĩ nông học” gồm: TS. Trương Hồng-nguyên quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên; ông Lương Đức Trí-Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên; ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT); ông Đặng Hữu Thắng-Đại diện Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí.

Chương trình “Bác sĩ nông học” tại huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam
Chương trình “Bác sĩ nông học” tại huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam


Tại chương trình, bà con nông dân đã trực tiếp đặt câu hỏi với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học xoay quanh các vấn đề trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Ông Nguyễn Thành Công (thôn 2, xã Nghĩa Hòa) nói: “Gia đình tôi trồng 1 ha cà phê và hơn 1 ha cây ăn quả. Trong quá trình canh tác lại xuất hiện tình trạng rụng quả non nhiều. Qua chương trình này, tôi mong muốn nhà khoa học, chuyên gia tư vấn cần sử dụng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào để hạn chế tình trạng trên”.

Còn ông Phạm Xuân (tổ 2, thị trấn Phú Hòa) đặt câu hỏi: Gia đình ông trồng 1,5 ha cà phê. Vườn cây thường bị bệnh rỉ sắt, rụng quả và khô cành. Vậy cần áp dụng biện pháp gì để phòng trừ bệnh cho cây, đảm bảo năng suất?”.

Tiến sĩ Trương Hồng cho biết: “Chúng tôi thấy phần lớn câu hỏi của nông dân tập trung vào các loại bệnh vàng lá, rỉ sắt, lở vỏ trên cây cà phê và cây ăn quả, rụng quả non, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”.

Theo TS. Trương Hồng, hiện nay, bà con nông dân hay gặp trường hợp rụng quả non do sinh lý, thời tiết, sâu bệnh hại và do bón phân không đủ, mất cân đối và không đúng kỹ thuật trong giai đoạn tăng trưởng, tích lũy chất khô của quả. Do đó, nông dân cần tỉa cành, bón phân cân đối giữa đạm và kali, bón phân đúng kỹ thuật. “Đặc biệt, bà con phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện bệnh để phòng trừ bệnh kịp thời và hiệu quả. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây phát triển ổn định”-TS. Trương Hồng cho biết thêm.


Ông Lương Đức Trí cho biết: Hiện nay, một số diện tích cà phê của người dân sau khi tái canh 2-3 năm thì xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ dẫn đến chết phần lớn là do tuyến trùng gây ra. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do người dân tái canh sau khi nhổ bỏ cây lên và trồng lại ngay, ít xử lý đất và không qua luân canh, cày bừa thu gom loại bỏ rễ cũ…

“Để cây cà phê sau khi tái canh phát triển tốt, người dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp tổng hợp như: chọn cây giống sạch bệnh, xử lý đất đúng quy trình, cho đất nghỉ ngơi hoặc luân canh sang cây khác. Sử dụng phân bón hợp lý bằng phân bón hữu cơ và vô cơ, đồng bộ các biện pháp phòng trừ, bảo vệ đất và cây trồng bằng biện pháp sinh học để hạn chế sự phát triển của tuyến trùng. Bón phân định kỳ hàng năm trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại phân, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách). Ngoài ra, người dân có thể đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê như xen canh cây bơ, sầu riêng, hồ tiêu, mít... để tăng nguồn thu nhập, hạn chế xói mòn và che bóng, chắn gió cho cây”-ông Trí nói.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Trưởng-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: Hàng năm, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống người dân.

Chương trình “Bác sĩ nông học” được tổ chức nhằm hỗ trợ nông dân kết nối với nhà khoa học, chuyên gia về các vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ trong sản xuất. Đây là cơ hội bổ ích để bà con nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

“Qua chương trình này, tôi mong muốn bà con nông dân áp dụng tốt vào thực tiễn sản xuất của gia đình và hãy là những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, hàng xóm hiểu rõ tác hại biến của đổi khí hậu, những hệ lụy gây ra trong sản xuất nông nghiệp”-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh.

 LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.