Gia Lai: Nâng cao năng lực nhận diện hàng giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả. Lớp tập huấn nhằm giúp lực lượng thực thi công vụ nắm rõ các chi tiết trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Cầm trên tay chiếc túi xách mang thương hiệu Hermes, ông Phạm Đức Thắng-Giám đốc Công ty Luật Thắng Phạm và cộng sự, đại diện cho thương hiệu Hermes tại Việt Nam-cho biết, thương hiệu thời trang cao cấp này luôn phải đối mặt với tình trạng bị làm giả, làm nhái, trong đó tập trung vào sản phẩm túi xách, thắt lưng, giày. Hàng tuần, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều tiến hành bắt giữ nhiều vụ việc liên quan. Tuy nhiên, với dòng sản phẩm của thương hiệu này, ông Thắng cho rằng, không khó để phân biệt hàng thật-hàng giả và cách đơn giản nhất chính là xem xét giá bán. Mỗi sản phẩm của Hermes đều được làm rất cầu kỳ, tỉ mỉ nên giá bán khá cao. Ví dụ, 1 chiếc túi xách Hermes giá thấp nhất cũng khoảng 4.500 USD, 1 đôi giày giá thấp nhất khoảng 1.000 USD, dây thắt lưng thấp nhất cũng 850 USD... “Hơn nữa, đây là dòng thương hiệu cao cấp nên không có chuyện bày bán đại trà tại các cửa hàng quy mô nhỏ. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 2 cửa hàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh độc quyền thương hiệu này”-ông Thắng cho hay.
 Các chuyên viên hướng dẫn lực lượng thực thi công vụ cách phân biệt hàng giả, hàng thật. Ảnh: A.H
Các chuyên viên hướng dẫn lực lượng thực thi công vụ cách phân biệt hàng giả, hàng thật. Ảnh: A.H
Phụ trách hướng dẫn về cách nhận biết hàng giả-hàng thật của nhãn hàng Unilever, anh Lê Văn Quang-chuyên viên Phòng Bảo vệ thương hiệu khu vực miền Trung-cho biết, đối với các sản phẩm thuộc nhóm chăm sóc cá nhân thì dầu gội đầu gói (Clear, Dove, Sunsilk) đang bị làm giả và xuất hiện khá nhiều trên thị trường; các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bị làm giả có bột nêm Knorr; riêng sản phẩm chăm sóc gia đình thì có bột giặt Omo bị làm giả. Để phân biệt hàng thật-hàng giả với các sản phẩm này, ngoài dựa trên mẫu mã, màu sắc bao bì còn dựa vào dãy ký tự dưới mã vạch... Anh Quang cũng khuyến cáo, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, nói không với hàng giả để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đồng thời bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan-Tổng thư ký VACIP, đồng thời phụ trách bảo vệ thương hiệu của Công ty Unilever tại Việt Nam, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được làm rất tinh vi, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra nhiều nguy hại khác cho xã hội. Do đó, VACIP thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp lực lượng thực thi công vụ nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn.
Tại buổi tập huấn tổ chức ở Gia Lai mới đây, các chuyên gia, chuyên viên của VACIP đã hướng dẫn cho 80 cán bộ thuộc Cục QLTT tỉnh và lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh kỹ năng nhận diện hàng giả, hàng thật đối với các nhãn hàng thuộc Hiệp hội, gồm: Unilever, Nike, Hermes, Masan/Akzo Nobel, Levis, New Era/Super Dry. Vì mỗi sản phẩm có nhiều tiêu chí để phân biệt hàng thật, hàng giả, như: tem, cấu trúc kỹ thuật, mã số điện tử... do đó, thay vì chỉ nói lý thuyết, các chuyên gia, chuyên viên đã giới thiệu cách nhận biết trực tiếp trên từng sản phẩm; đồng thời hướng dẫn cách thức, phương pháp phối hợp với chuyên viên bảo vệ thương hiệu của các nhãn hàng trong việc phát hiện và xử lý hàng giả...
Thống kê của Cục QLTT tỉnh cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn nhằm đánh lừa người tiêu dùng và cơ quan chức năng. Đặc biệt, tình trạng này xảy ra với các loại hàng gây hại đến sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng như: hàng may mặc, bột ngọt, sách giáo khoa, nước yến, đồng hồ, phụ tùng xe máy, giấy vệ sinh. Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra và xử lý 43 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng số tiền nộp ngân sách trên 543 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 324 triệu đồng, trị giá hàng hóa tang vật tịch thu chưa thanh lý trên 170 triệu đồng.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh-cho hay: Quần áo, giày dép, dầu gội, bột ngọt... đều là những mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. Do đó, đơn vị đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt sẽ tập trung vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.