Chung tay chống hàng giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng giả, hàng nhái, giả mạo nhãn hiệu… đều có thể gọi chung là hàng giả, dù chúng có những sắc thái khác nhau. Nhưng mục đích và tác hại thì giống nhau, đều hướng tới người tiêu dùng Việt Nam và đều “thực hiện quy trình”: Lấy tiền thật, trao hàng giả. Như thế, hàng giả và những đối tượng cố tình sản xuất, buôn bán hàng giả đều gây tổn hại đến nhân dân. Chúng là đối tượng mà toàn dân Việt Nam phải kiên quyết chống lại.  
Bởi vì, không chỉ thực hiện ở trong nước, sản xuất hàng giả còn có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, hàng giả xuất xứ nước ngoài và sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng. Tinh vi hơn, hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Sau khi có đơn đặt hàng, sản phẩm mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ. Tóm lại, những thế lực sản xuất và lưu thông hàng giả tại Việt Nam có quá nhiều thủ đoạn, nhiều chiêu trò, nhiều cách lách qua những hàng rào kỹ thuật hay hệ thống quản lý thị trường Việt Nam, đưa hàng giả “tới tận tay người tiêu dùng”.
Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện mặt hàng giấy vệ sinh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tổng thể thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên Orchid Phú Quý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: V.T
Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện mặt hàng giấy vệ sinh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tổng thể thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên Orchid Phú Quý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: V.T
Cái hấp dẫn đầu tiên của hàng giả hay hàng nhái là… giá rẻ. Mà giá rẻ thì từ bao năm nay là “ưu điểm” của hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Người tiêu dùng Việt đã bao phen điêu đứng khi mua phải những mặt hàng “giá rẻ” nhưng hình thức đầy bóng bẩy này. “Coi vậy, mà không phải vậy”, dân mình hay nói thế, nghĩa là họ biết cả, nhưng biết vẫn mua. Chưa kể, độ “lan tỏa” của hàng giả hiện đã tới mức báo động đỏ. Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã len lỏi tới rổ hàng mẹt hàng của những người bán rong, những người chỉ vì sinh kế mà sẵn sàng tự nguyện tham gia lừa khách hàng bằng cách gọi hàng như rau củ quả “chính hiệu Trung Quốc” là hàng Việt, để người tiêu dùng yên tâm mua.
Thủ đoạn phổ biến bây giờ là người nước ngoài làm hàng giả, gắn mác hàng Việt, bán giá rẻ. Lực lượng phân phối và tiêu thụ những món hàng giả này lại là người Việt, từ người bán hàng rong tới người buôn bán ở chợ, rồi những cửa hàng ở khắp nơi, cả những tập đoàn tư nhân gia công lắp ráp dùng linh kiện sản xuất tại Trung Quốc nhưng qua vài ba chiêu tráo đổi, tung hô lên là “công nghệ Nhật Bản” và đưa vào phân phối rộng rãi khắp cả nước. Sự giả mạo nhãn hiệu nay đã rất tinh vi, không chỉ đơn giản là cắt nhãn Trung Quốc rồi dán nhãn Việt mà đã đi vào khâu gia công lắp ráp rồi “nhúng nhãn hiệu” ở một nơi thứ ba, sau đó mới đưa vào lưu thông tiêu thụ.
Bây giờ, đã tới lúc toàn dân Việt Nam cần ý thức về sự nguy hiểm của hàng giả, hàng nhái, không chỉ lừa đảo khách hàng mà còn lũng đoạn nền kinh tế, khiến hàng Việt thứ thiệt bị thua trắng ngay trên sân nhà, đẩy những người nông dân, những nhà sản xuất Việt Nam vào nguy cơ phá sản và thua lỗ không thể cứu vãn. Đó là “chiến lược” của ngoại bang đánh vào nền kinh tế quốc dân Việt Nam, “phá hoại nhiều mặt” nền kinh tế của chúng ta, khiến người tiêu dùng Việt nghi ngờ chất lượng hàng Việt, thật giả lẫn lộn, niềm tin bị xói mòn, những nỗ lực sáng tạo và sản xuất bị trắng tay.
Vì vậy, toàn dân Việt cần đứng lên chung tay chống hàng giả, hàng nhái, nhất là hàng giả có xuất xứ nước ngoài. Bằng sự lựa chọn thông minh của mình, mỗi người cần kiên quyết loại các chủng hàng giả, hàng nhái khỏi rổ hàng mua sắm. Chỉ có huy động được sức mạnh, sự cảnh giác và trí tuệ toàn dân thì mới đẩy lùi tai họa hàng giả, hàng nhái đang lan tràn hiện nay. Mặt khác, các cơ quan chức năng phải cầu thị lắng nghe những tố giác của nhân dân về hàng giả, hàng nhái, kịp thời, quyết liệt vào cuộc để tiêu hủy các loại hàng này, bảo vệ cho hàng Việt chân chính.            
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.