Biến rác... thành tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay, 4 câu lạc bộ (CLB) “Biến rác thành tiền” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Kbang thành lập không chỉ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường mà còn tạo sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. 
Đã thành thói quen, 5 năm nay, mỗi lần đi chợ hay dọn dẹp nhà cửa, hội viên, phụ nữ ở tổ 10 (thị trấn Kbang) đều phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình thành 2 loại gồm rác thải tái chế và rác thải không tái chế được. Theo đó, rác thải không tái chế được sẽ xử lý bằng hình thức ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng hoặc phơi khô rồi đào hố đốt; rác thải có thể tái chế được thì gom lại nộp cho CLB “Biến rác thành tiền” để bán lấy tiền mua quà tặng trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
 Thành viên CLB “Biến rác thành tiền” phân loại rác thải tái chế để bán lấy tiền mua quà tặng trẻ em nghèo. Ảnh: H.T
Thành viên CLB “Biến rác thành tiền” phân loại rác thải tái chế để bán lấy tiền mua quà tặng trẻ em nghèo. Ảnh: H.T
Đưa chúng tôi ra khu vực nhà bếp, nơi có 2 thùng rác được đặt ngay ngắn bên trong, chị Nông Thị Thủy-hội viên chi hội Phụ nữ tổ 10-chia sẻ: “Tham gia CLB “Biến rác thành tiền”, tôi thấy rất ý nghĩa. Bởi từ đó đến nay, tôi và các thành viên trong gia đình đều thực hiện việc thu gom và phân loại rác thải theo đúng hướng dẫn của CLB và chi hội nên không gian sống sạch sẽ hơn, đặc biệt là các phế liệu làm bằng nhựa đều được thu gom, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và còn bán được để lấy tiền gây quỹ mua quà cho thiếu nhi nghèo”.
Nói về hoạt động của CLB, chị Đinh Thị Tâm-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ tổ 10-cho biết: Đến nay, CLB đã thu hút được trên 100 hội viên tham gia. Từ khi CLB đi vào hoạt động, các thành viên thường xuyên thu gom rác thải nhà bếp và trên các ngõ xóm để gìn giữ vệ sinh môi trường; đồng thời hướng dẫn người dân cách phân loại và xử lý rác. Với hơn 3 triệu đồng từ việc thu gom và bán rác thải tái chế, CLB sẽ mua bánh kẹo tổ chức Trung thu, tặng sách vở cho các cháu ở làng Groi và làng Hợp (thị trấn Kbang).
Tương tự, sau hơn 5 năm thành lập, CLB “Biến rác thành tiền” của chi hội Phụ nữ tổ 8 đã gây quỹ được gần 6 triệu đồng. Từ số tiền này, CLB đã giúp cho 3 thành viên xoay vần vốn phát triển chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Phương-Chủ nhiệm CLB-cho biết: Chi hội có 48/58 hội viên tham gia vào CLB. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các thành viên rất tích cực thu gom rác thải tại nhà bếp cũng như ngay trước cửa ngõ nhà mình; đồng thời, biết phân loại rác để lấy phế liệu bán nhằm gây quỹ giúp nhau phát triển kinh tế. Cứ 3 tháng/lần, các chai lọ bằng sắt, nhựa đều được gom lại để bán. Số tiền thu gom được tuy không nhiều nhưng đã phần nào giúp các thành viên khó khăn có vốn phát triển sản xuất-chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập.
Chị Ngô Thị Hồng là một trong 3 thành viên của CLB được vay tiền mua con giống phát triển kinh tế. Gần 20 năm qua, mọi chi tiêu của 4 người trong gia đình chị đều trông vào tiền làm thuê của 2 vợ chồng nên cuộc sống khó khăn. Mãi đến năm 2017, từ tiền tích cóp được sau nhiều năm làm thuê cộng với một ít vốn vay được từ người thân, chị mới mua được 1 ha đất trống để trồng cà phê. Chưa có thu nhập từ vườn cây nên hễ ai thuê gì, chị Hồng đều không ngần ngại. Trước hoàn cảnh đó, CLB đã giúp chị Hồng mượn 4 triệu đồng để phát triển kinh tế. Cộng với 6 triệu đồng kiếm được từ việc làm thuê, chị Hồng đầu tư vào nuôi gà. Đến nay, sau 2 lần xuất bán, chị thu về được 20 triệu đồng. Sau khi trả hết nợ và trừ chi phí, chị Hồng lãi 10 triệu đồng. “Tôi thấy hoạt động của CLB rất thiết thực. Hiện nay, số tiền tôi mượn đã được chuyển sang cho thành viên khác khó khăn hơn”-chị Hồng vui vẻ cho biết.
Bà Nguyễn Thị Minh Phong-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Kbang-thống kê: Đến nay các CLB đã thu hút được 133 thành viên tham gia và đã gây quỹ được trên 15 triệu đồng; giúp 5 hội viên vay không tính lãi để mua cây-con giống; tặng 600 quyển vở, 3 bộ sách giáo khoa cho 60 học sinh. “Hoạt động của các CLB này vừa mang tính nhân văn sâu sắc, vừa góp phần làm sạch môi trường, chung sức xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn. Tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này để các chi hội học hỏi lẫn nhau và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng”-bà Phong thông tin. Cũng theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn, ngoài thành lập các CLB “Biến rác thành tiền”, thời gian qua Hội cũng đã vận động thành lập được 28 con đường phụ nữ tự quản về bảo vệ môi trường, qua đó huy động sự góp sức của hội viên, phụ nữ trong việc thu gom rác thải, tháo gỡ các bảng quảng cáo để làm sạch các tuyến đường, khu dân cư.
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.