Chư Pah: Khai thác cát làm sạt lở đất, dân đòi đền bù thỏa đáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2014, Công ty TNHH Hưng Cường khai thác cát tại suối Tơ Ve (thuộc địa phận xã Hà Tây) đã khiến đất đai của nhiều hộ dân ở xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Pah) bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều hộ dân yêu cầu công ty này phải đền bù thỏa đáng  song chưa được đáp ứng.
Một số hộ dân ở xã Đak Tơ Ve cho biết, Công ty TNHH Hưng Cường được cấp phép khai thác cát tại suối Tơ Ve từ năm 2014. Việc khai thác cát của Công ty đã khiến suối Tơ Ve đoạn qua xã Đak Tơ Ve bị đổi dòng, gây sạt lở đất nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất thổ cư và đất rẫy dọc theo con suối này đã bị nước cuốn trôi. Bên cạnh đó, việc khai thác cát khiến suối Tơ Ve luôn trong tình trạng khô hạn, không đủ nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân. 
  Mảnh vườn của chị Hương bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: N.T
Mảnh vườn của chị Hương bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: N.T
Mặc dù Công ty Hưng Cường đã đền bù cho một số hộ dân bị ảnh hưởng nhưng mức đền bù không thỏa đáng. Ngoài ra, nhiều hộ không được đền bù dù bị sạt lở đất đai nghiêm trọng. Anh A Mới (làng Tuyết, xã Đak Tơ Ve) cho hay: “Mình có 2 mảnh đất khoảng 4 sào để trồng lúa và mì ở gần mỏ cát của Công ty Hưng Cường. Từ khi công ty này khai thác cát thì đất bị sạt lở. Hàng năm, Công ty có đền bù cho gia đình mình, như năm 2017 là 4 triệu đồng. Năm 2018, thấy mức đền bù như vậy không thỏa đáng nên mình yêu cầu đền bù thêm nhưng Công ty không chịu”.
Ngoài một số trường hợp được đền bù như hộ anh A Mới thì còn 7 hộ dân sinh sống và làm rẫy dọc suối Tơ Ve bị sạt lở đất nhưng chưa được Công ty Hưng Cường đền bù. Vì vậy, 7 hộ này đã gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền huyện Chư Pah để nhờ can thiệp. Chị Lê Thị Thanh Hương (làng Tuyết) cho biết: “Đất nhà tôi nằm sát suối Tơ Ve. Trước đây, suối này dù nhiều nước nhưng ít gây sạt lở. Từ năm 2014 đến nay, suối Tơ Ve liên tục đổi dòng lấn sâu vào đất nhà tôi, mỗi năm khoảng 1 m. Chúng tôi đã trồng nhiều loại cây để giữ đất nhưng không được. Cây cối trồng xuống liên tục bị cuốn trôi. Hiện đã sạt gần đến móng nhà rồi. Năm 2017, tôi gặp lãnh đạo Công ty Hưng Cường đề nghị đền bù diện tích đất bị sạt lở nhưng họ không chịu. Đầu năm 2018, tôi và một số hộ dân gửi đơn lên UBND xã yêu cầu công ty này đền bù. Mới đây, Công ty Hưng Cường nói chỉ đền bù trong năm 2018 và mỗi hộ chỉ được 2 triệu đồng. Chúng tôi không đồng ý mức đền bù này vì có nhiều loại đất khác nhau nên không thể tính giá tiền đồng đều. Thêm nữa, đất sạt lở từ năm 2014 đến nay mà đền có mỗi năm 2018 là không được”.
Còn bà Hoàng Thị Sinh (làng Tuyết) thì chia sẻ: “Cũng như các hộ có đất dọc suối Tơ Ve, mảnh đất trồng mì của gia đình tôi thường xuyên bị sạt lở, nặng nhất là vào mùa mưa. Đang yên lành, đất đổ ầm ầm xuống suối, cây cối cũng bị cuốn theo. Biết lý do đất sạt lở là vì Công ty Hưng Cường khai thác cát, tôi yêu cầu đền bù bằng tiền hoặc hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, Công ty nói chỉ đền 2 triệu đồng cho năm 2018. Tôi không đồng ý với mức đền này”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Ánh-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve-cho hay: Từ năm 2014 đến nay, Công ty TNHH Hưng Cường khai thác cát ở suối Tơ Ve. Hàng năm, công ty này đền bù cho 19 hộ dân bị sạt lở đất do hoạt động khai thác cát. Mức đền bù theo thỏa thuận giữa Công ty và người dân. Mới đây có thêm 7 hộ dân gửi đơn yêu cầu Công ty đền bù vì đất bị sạt lở. Ngoài ra, có trường hợp của anh A Mới đòi mức đền bù cao hơn. Ủy ban nhân dân xã đã tổ chức đối thoại giữa 7 hộ dân với Công ty TNHH Hưng Cường để thống nhất mức đền bù thỏa đáng giữa các bên nhưng chưa có kết quả. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện để biết và xử lý.
Về phía Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah, ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng-cho biết: “Ủy ban nhân dân xã Đak Tơ Ve có mời Phòng Tài nguyên và Môi trường xuống dự buổi đối thoại giữa người dân và Công ty TNHH Hưng Cường. Các hộ dân thì muốn đền bù theo từng diện tích đất bị sạt lở, còn Công ty muốn hỗ trợ đồng đều mỗi hộ vài triệu đồng. Chúng tôi đã chỉ đạo UBND xã tổ chức đo đạc lại cho chính xác diện tích bị sạt lở của mỗi hộ dân để có hướng xử lý”.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.