Krông Pa: Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Krông Pa là huyện nghèo của tỉnh với 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, những năm qua, dù huyện đã nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn còn nhiều tiêu chí khó đạt.
 

  Xã Ia Mlah (huyện Krông Pa) đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới.       Ảnh. Đ.Y
Xã Ia Mlah (huyện Krông Pa) đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Ảnh. Đ.Y

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2016, 14 xã, thị trấn của huyện Krông Pa đạt tổng cộng 165 tiêu chí (bình quân mỗi xã, thị trấn đạt 12,7 tiêu chí). Trong đó, 2 xã điểm là Phú Cần đạt 17 tiêu chí và Ia Mlah đạt 16 tiêu chí. Hầu hết các tiêu chí đạt được đều nhờ vào nguồn đầu tư của các chương trình, dự án Nhà nước.

Tại xã Ia Mlah, 3 tiêu chí còn lại chưa đạt là hộ nghèo, môi trường và văn hóa. Ông Ksor Thiếu-Bí thư Đảng ủy xã Ia Mlah, cho biết: Xã có 8 thôn làng, gồm 2 thôn người Kinh và 6 làng dân tộc Jrai. 3 tiêu chí còn lại sẽ khó đạt bởi phụ thuộc phần lớn vào sự nỗ lực từ phía người dân; việc thay đổi nhận thức, phong tục tập quán không thể một sớm một chiều.

Theo tìm hiểu của P.V, hiện các xã khác trên địa bàn huyện Krông Pa đều chưa hoàn thành được các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, môi trường, văn hóa, giáo dục và nhà ở dân cư. Bên cạnh đó, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1980 về Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, một số tiêu chí quá cao khiến huyện lại càng khó thực hiện. Ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực xây dựng nông thôn mới huyện Krông Pa, cho biết: Theo chuẩn nghèo đa chiều, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Krông Pa còn 40,23%, trong khi để đạt tiêu chí này thì tỷ lệ hộ nghèo phải giảm dưới 7%. Nếu huyện nỗ lực mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 6-8%/xã thì đến năm 2020 cũng khó có thể đạt tiêu chí này. Đối với tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, xã phải có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Huyện Krông Pa có ít doanh nghiệp đứng chân, xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, vì thế rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Cùng với đó, sức đóng góp của nhân dân vào xây dựng nông thôn mới cũng hạn chế.  

Trước những khó khăn nêu trên, để có cơ sở thực hiện đạt các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, huyện Krông Pa đã đề xuất, kiến nghị với tỉnh sớm ban hành tiêu chí cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương được Thủ tướng Chính phủ phân cấp tại Quyết định 1980, như tiêu chí 2-giao thông, tiêu chí 3-thủy lợi, tiêu chí 6-cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí  7-cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tiêu chí 8-thông tin và truyền thông, tiêu chí 17-môi trường và an toàn thực phẩm. Đồng thời, huyện cũng đề nghị tỉnh giảm tỷ lệ đóng góp của người dân (tối thiểu khoảng 20%) và phân bổ nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ngay từ đầu năm để địa phương chủ động thực hiện các tiêu chí.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn chủ trương và cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Ngày 16-11-2016, huyện Krông Pa đã ban hành Nghị quyết 06 về đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, huyện đã phân công trách nhiệm cho các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể có những giải pháp cụ thể để huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới”-ông Tạ Chí Khanh cho biết thêm.

 

Huyện Krông Pa phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 6-8%/xã. Đến năm 2020, huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại có ít nhất 15 tiêu chí đạt chuẩn. Đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.