Bất cập trong sản xuất kinh doanh phân bón

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là những mặt hàng thiết yếu góp phần tạo ra những mùa vụ bội thu. Tuy nhiên, nếu gặp phải những sản phẩm phân bón kém chất lượng gây thiệt hại về kinh tế thì nông dân sẽ là người lãnh đủ. Đây là một trong những nỗi lo lớn nhất hiện nay của người nông dân trước hàng trăm sản phẩm phân bón đang có mặt trên thị trường. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng phân bón vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập.

Thị trường béo bở

 

Việc kiểm soát chất lượng phân bón vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Ảnh: internet
Việc kiểm soát chất lượng phân bón vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Ảnh: internet

Là một trong những tỉnh có diện tích cây trồng ngắn và dài ngày khá lớn với gần 80.000 ha cà phê; khoảng 13.000 ha hồ tiêu; trên 100.000 ha cao su, chưa kể diện tích lúa nước, bắp và các loại cây trồng khác… nên nhu cầu về phân bón tại Gia Lai rất lớn. Theo thống kê của cơ quan quản lý, toàn tỉnh hiện có 16 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; hầu hết các nhà máy này thường sản xuất theo đơn đặt hàng và mùa vụ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội bộ của đơn vị trồng cao su, mía đường… Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có khoảng 225 cơ sở kinh doanh các loại phân bón rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố đáp ứng nhu cầu cho nông dân sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng phân bón giả, kém chất lượng… xuất hiện ngày càng nhiều gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân. Nhiều vụ đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Những tháng đầu năm 2016, Công an tỉnh đã phát hiện một số vụ phân bón kém chất lượng trên địa bàn xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (sử dụng cá ươn làm phân bón). Tháng 10-2015, Đội Quản lý Thị trường lưu động thuộc Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón tại địa chỉ 687 Trường Chinh (TP. Pleiku). Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở này sản xuất phân bón và đưa ra lưu thông trên thị trường với số lượng lớn mà không có giấy phép sản xuất theo quy định.

Theo thống kê của Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh, trong năm 2015 Chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 12 mẫu phân bón, kết quả kiểm nghiệm mẫu tại Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2-Đà Nẵng cho thấy 8/12 mẫu không đạt chất lượng theo chỉ tiêu công bố áp dụng. Tổng kiểm tra 104 vụ thì có đến 62 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 880 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất phân bón không đạt mức chỉ tiêu định lượng bắt buộc so với tiêu chuẩn; phân bón có nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn… Những tháng đầu năm 2016, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón tại 69 cơ sở, xử phạt 27 vụ vi phạm với số tiền trên 199 triệu đồng, tiêu hủy 1.700 bao bì giả nhãn hiệu và loại bỏ yếu tố vi phạm 120 bao bì giả…

Nhiều khó khăn trong kiểm soát thị trường phân bón

 

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, việc sử dụng phân bón kém chất lượng sẽ gây thiệt hại rất lớn về tiền bạc và sản xuất. Không chỉ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng mà phân bón kém chất lượng còn gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng khi thu hoạch.

Ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh cho biết: Thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã kiểm tra và lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm về chất lượng đối với một số sản phẩm phân bón. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là phần lớn các nhà máy thường sản xuất phân bón theo mùa vụ và phục vụ nội bộ. Bên cạnh đó, phân bón là dạng đặc thù, khi bón xuống chứng cứ vi phạm không còn nên rất khó lấy mẫu để kiểm nghiệm lại chất lượng sản phẩm. Chưa kể, theo thói quen tiêu dùng, người dân khi mua phân về bón cho cây trồng cũng thường không lấy hóa đơn, bao bì. Vì vậy khi xảy ra thiệt hại thì không có chứng cứ để cơ quan chức năng đối chứng.

 Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay là theo quy định của Thông tư số 26/ 2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp có thể đem mẫu phân bón đi kiểm nghiệm lần 2 nếu không đồng tình với kết quả kiểm nghiệm lần 1 của ngành chức năng. Ngoài ra, khi phát hiện có dấu hiệu phân bón giả, người dân ít báo cho cơ quan chuyên môn để kiểm tra. Cùng với đó, tên trên bao bì những sản phẩm phân bón nhiều khi cũng cố tình nhập nhèm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… Thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra chất lượng phân bón để giúp nông dân sử dụng những sản phẩm đảm bảo chất lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng phân bón kém chất lượng lưu hành trên thị trường.

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.