Khen nhà báo, phạt ai ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy hôm nay, dư luận xôn xao về vụ phát hiện, trục vớt và  bắt giữ gần 20 m3 gỗ lậu bên bờ sông Sê San (thuộc xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Dư luận xôn xao không phải vì số lượng gỗ khá lớn bị phát giác trên một “bến chuyên ngành”, mà bởi người phát hiện, cách phát hiện và cách xử lý của cơ quan chức năng, cùng chính quyền địa phương.

Gỗ trái phép tại hiện trường. Ảnh: P.V
Gỗ trái phép tại hiện trường. Ảnh: P.V

Thứ nhất: Người đầu tiên phát hiện vụ việc không phải công an, chẳng phải kiểm lâm hay chính quyền sở tại mà lại là mấy ông nhà báo. Lại ly kỳ hơn nữa cũng chính mấy ông nhà báo này lại buộc phải đóng vai thợ lặn bất đắc dĩ (trong cái nhìn và tiếng cười  đến khó hiểu của mấy ông trong ngành chức năng) nhằm chứng minh rằng ở dưới nước vẫn còn hàng chục hộp gỗ to đùng. Cũng vì vậy mà cánh phóng viên  đã “giúp” anh em công an, kiểm lâm tìm thêm được khoảng 20 súc gỗ nữa. Giúp nhau lúc khó. Thật quá nghĩa tình...!

Thứ hai: Ngay lúc sự việc đang hồi gay cấn, nhà báo có nguy cơ bị lâm tặc tấn công bằng hung khí thì ông Chủ tịch UBND huyện Ia Grai đã lệnh khẩn cho Công an huyện nhà vào chi viện. Và ông Chủ tịch sau đó không lâu cũng đã được thuộc cấp báo lại rằng: Anh em đã có mặt tại hiện trường. Nhưng lạ thay, sự sốt sắng của ông Chủ tịch huyện đã bị dội một gáo nước lạnh, bởi khi ông này lên kiểm tra hiện trường và cũng nhân thể úy lạo tướng sĩ đang đánh lâm tặc vất vả, hiểm nguy thì ô hô ở hiện trường chẳng có anh em nào như ông đã được báo cáo trước đó.

Thứ ba: Vụ này các nhà báo bị lâm tặc với hàng chục tên đe dọa bằng hung khí và nhục mạ bằng khẩu khí của giang hồ… có vẻ được bảo kê. Thêm nữa khi có một nhà báo liều mình làm thợ lặn… tìm gỗ đang bị tẩu tán ngầm dưới nước đã nhận được những tràng cười… diễu cợt của ai đó đang nhân danh người bảo vệ rừng. Buồn thay!

Có tin cho hay, mấy vị nhà báo có công phanh phui vụ này đang được các cơ quan thẩm quyền làm thủ tục khen thưởng.

Đáng mừng thay!

Nhưng khen nhà báo thì phạt ai đây…?

Huy Tùng

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.