Vơi đầy bất chợt nửa chiều Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi có trong tay tập thơ “Nửa chiều Pleiku” của tác giả Nguyễn Như Bá-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tò mò từ tiêu đề, tôi chọn bài thơ lấy tên cho toàn tập thơ để đọc trước. Quả là bài thơ khái quát được tình yêu và vẻ đẹp của Pleiku ở cạnh khía trữ tình và hiện thực mà tác giả cảm nhận bằng trực quan bên ngoài và sâu thẳm bên trong tâm hồn của chính mình thông qua nhiều mối quan hệ.
Tôi bắt đầu bằng tiêu đề bài thơ mà điểm rơi là ở nhãn tự “nửa chiều”. Tại sao không là sáng, chiều, hoàng hôn hay đêm mà lại là nửa chiều Pleiku? Phải có nét riêng gì đây trong cảm nhận của nhà thơ. Thành phố Pleiku xinh đẹp với khung cảnh nên thơ, trữ tình riêng đã từng đi vào văn chương nghệ thuật làm mê đắm lòng người. Có lẽ, chính trong khoảng lặng không gian và khoảnh khắc thời gian nửa chiều thì Pleiku mới trở nên ngưng lặng và lung linh nhất trong mắt nhìn hiện thực và lãng mạn của thi sĩ. Tôi cũng tự liên hệ với chính mình để đồng cảm với tác giả rằng, trong buổi chiều thì lúc giữa/nửa chiều là thời khoảng đẹp nhất của Pleiku, nhất là vào mùa chớm hạ. Ở trục tọa độ không-thời gian đó, Pleiku hội tụ vẻ đẹp lung linh riêng: bảng lảng sương, dào dạt gió, phôi phai nắng, chầm chậm mây, thoang thoảng hương, chập chùng đồi núi, thăm thẳm những con đường quanh co, thổn thức thông chiều, rưng rưng nhung nhớ và bàng bạc nỗi niềm… Tiêu đề bài thơ như thế, tự nó đã thông điệp đến người đọc rất nhiều ý nghĩa và cảm xúc. Chưa kể, lúc nửa chiều lại được từng chủ thể cảm nhận với tâm trạng riêng, nỗi niềm riêng, hoàn cảnh riêng.
 Tập thơ “Nửa chiều Pleiku”. Ảnh: THU HUẾ
Tập thơ “Nửa chiều Pleiku”. Ảnh: THU HUẾ
Với Nguyễn Như Bá, nửa chiều Pleiku ở đây xuất phát từ cơn mưa chiều bất chợt, làm thổn thức dáng thông gầy, khiến anh và em cũng vơi đầy, quanh co cùng những con đường nhỏ, Phố núi như chìm khuất trong sương, mây chiều xuống thấp ôm choàng đồi cao, lũng thấp và quán nhỏ liêu xiêu: “Nửa chiều trời bỗng dưng mưa/nghe lòng thổn thức thông xưa bóng gầy/Pleiku phố núi dường mây/đường về quán nhỏ vơi đầy cùng em”.
Khung cảnh nên thơ và bất chợt như thế không thể không tác động đến nhân vật trữ tình. Như duyên cảnh không hẹn mà gặp, người con trai bỗng thấy mình bối rối trước những sợi tóc mềm đang quyện bay trong gió lạnh miền xa thổi về, khiến gương mặt người yêu bỗng xa xăm, đắm đuối. Trong quán vắng đìu hiu, chàng trai nhờ chén rượu suông để cùng mình tâm sự với “em” nồng nàn, mê đắm. Có thể nói ở đây, tình sinh cảnh và cảnh cũng sinh tình, tạo thành sự “nợ nần” đầy đam luyến. Một sự “nợ nần” rất đẹp và rất nên thơ, có chủ tâm chứ không phải tình cờ, bất chợt: “Rượu suông dốc cạn tới đêm/tơ tình em sợi tóc mềm bay ngang/hồn anh bối rối miên man/khi không mình lại nợ nần gì đây”.
Vì vậy mà sự lây lan tình cảm hay nói theo cách lý giải của phân tâm học của S. Freud thì đó là cơ chế tâm lý tự vệ xuất hiện trong chàng trai rất kịp thời. Nó làm cho sự thay thế và phủ định cùng lúc hiện về để chủ thể/chàng trai tự trấn an mình và có cơ hội khẳng định tình cảm/tình yêu với người cùng mình đang trong vòng tay nơi quán nhỏ trong cơn mưa chiều bất chợt. Liên tưởng xưa là để càng yêu nay, càng da diết hơn với mối tình dạt dào trong hiện tại là một cảm nhận rất thật của chàng trai đa cảm: “Pleiku xưa lá rụng đầy/dáng ai phố vắng níu hoài chiêm bao/Pleiku nay chợt ngọt ngào/khi không tình lại dạt dào men yêu”.
Vậy là, từ cơn mưa nửa chiều Pleiku bất chợt, hai tâm hồn được tiếp thêm xúc cảm để thêm gần nhau, thêm ngọt ngào ân ái. Từ sự “bối rối miên man” ở khổ thơ trên đến sự “chợt ngọt ngào”, “dào dạt men yêu” ở khổ thơ sau đã cho thấy sự đam luyến nồng nàn của hai trái tim yêu qua bao năm tháng là rất thật; kiểu tình yêu “khi người ta trẻ”: thủy chung, quyến rũ. Nửa chiều đã thật sự là chất men tình ái để họ kết nối tình cảm trong quá khứ và hiện tại, càng chứng minh sự gắn bó thủy chung khi hai tâm hồn đã thuộc về nhau là rất thật: Có gì đâu một nửa chiều/đôi khi hư thật mà nhiều ngất ngây/đường xưa mây trắng còn bay/gió hồng lùa nắng tràn đầy lòng nhau”.
Bài thơ đã khép lại trong trạng thái tình cảm ngất ngây của tình yêu, có thiên nhiên cộng cảm: “gió hồng lùa nắng tràn đầy lòng nhau”. Quả là nên thơ và mơ mộng.
Nguyễn Như Bá đã từ tình yêu có thật của mình hoặc nhập vai vào mối tình thơ mộng nào đó mà anh chứng kiến để viết nên bài thơ “Nửa chiều Pleiku” trữ tình và nồng ấm tình cảm luyến thương. Tác giả đã cho độc giả đã từng đến và từng yêu Pleiku một thi phẩm đẹp, làm cho tình cảm, nỗi nhớ của họ càng thêm nồng đượm. Bài thơ được nhạc sĩ Tố Hải, nhạc sĩ Anh Tuấn và nhạc sĩ Lê Minh Thế tâm đắc phổ thành 3 ca khúc với giai điệu mượt mà, sâu lắng thông qua sự thể hiện thành công của các giọng ca Mạnh Hùng và Thái Hòa cùng sự diễn ngâm đặc sắc của nghệ sĩ ưu tú Linh Nhâm đã thật sự hấp dẫn tôi để viết nên lời bình này.
HỒ THẾ HÀ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.