Pờ Yầu mong thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giao thông cách trở, đất đai cằn cỗi cộng với phương thức sản xuất lạc hậu khiến tỷ lệ hộ nghèo ở làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai) chiếm trên 65%. Tuy nhiên thời gian gần đây, huyện và xã đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, từng bước giảm nghèo. 
Cách trung tâm xã Lơ Pang chưa đầy 8 km, ấy vậy mà mỗi khi nhắc đến Pờ Yầu, ai cũng thấy ngôi làng này vô cùng xa xôi. Làng nằm ở độ cao 800 m so với mực nước biển, đường sá đi lại vô cùng hiểm trở, vì vậy chỉ thanh niên, đàn ông trong làng mới dám điều khiển xe máy xuống núi, còn phụ nữ, người già dường như chỉ quanh quẩn ở làng. Ông Drêt-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Pờ Yầu-chia sẻ: “Người dân trong làng chịu khó lao động nhưng vì đất đai cằn cỗi nên năng suất các loại cây trồng không cao. Hơn nữa đường sá đi lại khó khăn khiến cho nông sản của người dân sau khi thu hoạch thường bị thương lái ép giá”. Để chứng minh điều đó, ông Drêt so sánh, 1 kg mì tươi ngay trung tâm xã có giá 2.000 đồng nhưng thương lái thu mua tại làng chỉ khoảng 1.000-1.100 đồng. Tương tự, 1 kg bời lời được thu mua chỉ với giá 3.500 đồng thay vì 11.000 đồng. Dù biết thương lái thu mua nông sản với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường, song người dân vẫn chấp nhận bán vì không phải ai cũng có thể đưa nông sản xuống trung tâm xã. Điều này cũng phần nào lý giải nguyên nhân vì sao cái nghèo cứ mãi quẩn quanh cuộc sống người dân. Đến nay, làng còn 77 hộ nghèo trong tổng số 118 hộ dân.
 Người dân Pờ Yầu đã có nguồn thu từ cây hồ tiêu. Ảnh: Sơn Ca
Người dân Pờ Yầu đã có nguồn thu từ cây hồ tiêu. Ảnh: Sơn Ca
Trước những khó khăn của Pờ Yầu, huyện Mang Yang và xã Lơ Pang đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Mới đây, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” của huyện đã bàn giao 2 con bò sinh sản (mỗi con trị giá 15 triệu đồng) cho 2 hộ nghèo trong làng. Ông Pxưt-một trong 2 hộ được nhận bò-phấn khởi: “Gia đình mình mong ước có một con bò để nuôi từ rất lâu rồi nhưng không có tiền mua”. Nguồn thu chủ yếu của gia đình ông Pxưt chủ yếu trông vào 5 sào bời lời mới trồng, 3 sào lúa, 1 sào mì. Tuy nhiên, do không có tiền đầu tư nên hầu hết diện tích cây trồng đều không có phân bón. Ông Pxưt cho hay: “Lúa rẫy mình trồng 6 tháng nên mỗi năm chỉ thu khoảng 13 bao, không đủ lương thực cho 7 miệng ăn trong gia đình. Riêng 4 sào mì trồng trên diện tích đất cằn và dốc nên 2 năm mới thu hoạch, mỗi lần thu chỉ khoảng 4 triệu đồng”. Ông Pxưt hy vọng, con bò sẽ sớm sinh sản để giúp gia đình có thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống.
Trong năm 2018, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đã triển khai trồng thử nghiệm 1 ha cà phê tại làng; xã cũng bàn giao 3 con bò từ Chương trình 135, 168 cho 3 hộ nghèo trong làng. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Lợi-Bí thư Đảng ủy xã-cho hay: Thời gian qua, xã còn tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, đồng thời vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, từng bước cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể của xã cũng không ngừng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trồng cây bóng mát kết hợp cây ăn quả, trồng rau xanh trong vườn nhà, nuôi gia súc, gia cầm... Theo thống kê, đến nay làng Pờ Yầu có khoảng 184 ha bời lời, 12,2 ha mì, 33,1 ha lúa, gần 3 ha cà phê, 1,6 ha hồ tiêu và 4,1 ha cây ăn quả; đàn gia súc, gia cầm của làng hơn 400 con.  
Nhờ có sự quan tâm của các cấp, các ngành, cuộc sống của làng Pờ Yầu đang từng bước khởi sắc. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn tha thiết mong ước có một con đường thuận tiện để đi lại, giao thương. “Chúng tôi hy vọng con đường sẽ sớm được đầu tư, mở rộng để hàng hóa được thông thương, dân trí được mở rộng, con cháu đến trường thuận tiện hơn”-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Pờ Yầu bày tỏ.
 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm