Nhận thấy nguồn dược liệu tại địa phương rất dồi dào, năm 2023, anh Nguyễn Vũ Phú Trường (thôn 5, xã An Phú) quyết định sản xuất các loại trà thảo mộc theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh tìm hiểu và nghiên cứu cách chế biến trà từ cây tía tô, đinh lăng, lạc tiên, ổi…
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, ngoài diện tích dược liệu trồng trong vườn nhà, anh còn liên kết với 5 hộ dân trong thôn trồng 5 sào tía tô theo hướng VietGAP. Ngoài ra, anh còn thu mua búp ổi, cây lạc tiên, đinh lăng với giá 25-60 ngàn đồng/kg.
“Mỗi tháng, tôi tiêu thụ hơn 100 kg lá tươi cho nông dân trên địa bàn xã. Việc thu hái và chế biến đều đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cũng đầu tư gần 70 triệu đồng mua sắm máy sấy, máy xay, máy tiệt trùng… để sản xuất các loại trà thảo mộc từ cây dược liệu”-anh Trường cho hay.
Anh Nguyễn Vũ Phú Trường (thôn 5, xã An Phú) chế biến các loại trà dược liệu theo dạng túi lọc. Ảnh: Trần Dung |
Đến nay, sản phẩm trà thảo mộc của anh Trường không chỉ có mặt trên thị trường Gia Lai mà còn mở rộng tiêu thụ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Mỗi tháng, anh xuất bán khoảng 20-25 kg trà đinh lăng, tía tô, lạc tiên, búp ổi... với giá gần 1,3 triệu đồng/kg. Hiện anh đang nghiên cứu thêm các loại trà từ cà gai leo, xạ đen, hà thủ ô và có kế hoạch đầu tư mua sắm máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung-Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú-cho biết: “Cuối năm 2023, sản phẩm trà tía tô của anh Trường được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là mô hình sản xuất dược liệu theo hướng VietGAP đầu tiên trên địa bàn. Chúng tôi tăng cường hỗ trợ quảng bá, mở rộng quy mô liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm này”.
Tương tự, năm 2018, chị Nguyễn Thị Kim Anh (tổ 3, phường Hoa Lư) bắt đầu sản xuất các sản phẩm tinh dầu cô đặc từ cây sả, hương nhu, trầu không, tía tô, tràm trà, quế... hướng đến phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.
Chị chia sẻ: “Để thu được tinh dầu và nước cất tinh dầu đảm bảo chất lượng thì quy trình chiết xuất phải rất nghiêm ngặt. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tôi đã kết nối với các nhà vườn trên địa bàn thành phố cung cấp nguyên liệu”.
Ngoài sản phẩm tinh dầu cô đặc, chị Nguyễn Thị Kim Anh còn làm thêm nhiều sản phẩm như: nước súc miệng, sữa tắm, nước lau sàn, nước ngâm chân thảo dược… Tất cả sản phẩm đều được kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh và được xác nhận về độ an toàn. Mỗi ngày, chị xuất bán ra thị trường 150-180 sản phẩm.
Mỗi ngày, cơ sở của chị Nguyễn Thị Kim Anh (tổ 3, phường Hoa Lư) xuất bán ra thị trường 150-180 sản phẩm được chế biến từ dược liệu. Ảnh: T.D |
Thời gian qua, UBND TP. Pleiku thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương tăng cường công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Hiện nay, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn thành phố là 11 ha, chủ yếu là đinh lăng, hà thủ ô, sả, sâm đương quy… Cây dược liệu được trồng tập trung tại các xã, phường: Chi Lăng, Thống Nhất, Chư Á, An Phú, Diên Phú và xã Gào.
Ngoài ra, công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến dược liệu cũng được thành phố chú trọng. Hiện Công ty cổ phần Đông Nam dược Gia Lai đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) với công suất 500 triệu viên thực phẩm chức năng/năm và 500 tấn cao dược liệu/năm. Nhu cầu nguyên liệu của nhà máy cần khoảng 4.000 tấn dược liệu/năm, gồm các loại thảo dược chính như: cà gai leo, nhân trần, xạ đen, đinh lăng, hà thủ ô, lô hội, atisô, đẳng sâm…
Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh cũng đã đầu tư xây dựng cụm nhà máy chế biến dược liệu với nhu cầu nguyên liệu khoảng 15.000 tấn/năm.
Thủ tướng yêu cầu kịp thời xử lý các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu
Triển vọng từ mô hình tưới nhỏ giọt cho cây dược liệu
Trao đổi với P.V, ông Trần Tấn Quang-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế TP. Pleiku-thông tin: Thời gian đến, thành phố tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng về bảo tồn và phát triển cây dược liệu; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các chủ rừng, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo tồn, khai thác, sản xuất, kinh doanh dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái.
Đồng thời, khuyến cáo người dân không ồ ạt trồng các giống cây dược liệu không rõ nguồn gốc, chưa khẳng định được tính thích nghi cũng như thị trường tiêu thụ.
“Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển cây dược liệu, thành phố cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên doanh đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dược liệu theo chuỗi giá trị, đặc biệt là khâu bảo quản, chế biến, chiết xuất và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc.
Song song với đó, thành phố thực hiện tốt các nhóm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc bảo tồn, khai thác, bảo quản, sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm dược liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến; xây dựng và phát triển sản phẩm gắn với du lịch và Chương trình OCOP của địa phương”-ông Quang cho biết thêm.