Phu giếng mù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở làng Tuơh Klah (xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai), có một người đàn ông mù nổi tiếng với nghề đào giếng, đó là Gix, nhà nằm cuối làng bao quanh là vườn cà-phê xanh tốt. Trưởng thôn Ksor Dăm An dẫn chúng tôi đến nhà Gix, khoe: 'vườn cà-phê của thằng Gix đó, nó tự trồng, tự chăm sóc luôn! Thanh niên trong làng chưa chắc đã được như Gix đâu!'...

Ông An kể: mới sinh ra Gix đã bị mù, cuộc sống gia đình khốn khó khiến Gix càng khổ hơn. Rồi bố đi lấy vợ khác, mẹ về làng cũ, anh, chị em cũng 'bắt' chồng mỗi người mỗi nơi. Gix gần như bị bỏ rơi, phải sống dựa vào tình thương của bà con dân làng. Ai cho gì ăn nấy, bạ đâu ngủ đấy. Nhưng lay lắt rồi cũng qua... 'Ồ, hóa ra thằng Gix nhiều tài lắm đấy! Nó mù nhưng biết làm đủ mọi việc, đến như việc đào giếng, người như mình chưa chắc làm được, nhưng giếng khắp làng này đều nhờ nó đào cả', giọng ông An chợt vui trở lại...

 

Gix tươi cười kể về chuyện của mình.
Gix tươi cười kể về chuyện của mình.



Đợi một lúc, người đàn ông nhỏ thó, áo quần đượm màu đất bazan chậm rãi trở về. Dù không thấy gì nhưng nghe tiếng trò chuyện, từ xa, Gix đã cười niềm nở. Lần tay mở cửa, Gix mời chúng tôi vào nhà. Ai cũng ngạc nhiên bởi căn nhà ngăn nắp, sạch bong. Quen thuộc, Gix quờ tay lấy chiếc chiếu trải giữa nhà mời khách ngồi. “Nhà Gix xây 60 triệu đấy! Còn lại, Hội người mù, UBND xã, dân làng phụ giúp thêm mới được khang trang như vậy. Chỉ có thiếu vợ thôi!”, Gix cười tươi. Hỏi bao nhiêu tuổi, Gix bảo không nhớ chính xác, mang máng 30-40 chi đó! Nhưng hỏi đã đào được bao nhiêu cái giếng, Gix nhớ như in: “Mình đào trong làng được 38 cái rồi đấy, còn cả các nơi khác khoảng 80 cái”. Gix bảo, dù bóng tối luôn bao quanh nhưng ông trời cho Gix sức khỏe và sự chịu khó, siêng năng. Ai kêu việc gì cần Gix cũng làm. Gix định hình bằng đôi tay, từng bước chân, đôi tai và cả trí nhớ của mình. Một ngày cách đây khoảng 20 năm, khi vừa 18 tuổi, Gix được gọi đi phụ quay đất người ta đào giếng lên. Từng gàu đất được Gix quay nhanh chóng khiến người đào phía dưới ngạc nhiên bởi sức khỏe của chàng thanh niên dáng nhỏ thó. Từ đó, Gix đi theo làm thuê kiếm sống qua ngày bằng nghề phụ giúp cho các phu giếng.

Năm 2012, khi dựng căn nhà và làm vườn cà-phê ở cuối làng, nước quá khan hiếm khiến Gix chợt nghĩ đến việc tự mình đào giếng lấy nước dùng. Sau khi đi quanh vườn, rờ rẫm từng hòn đất, Gix quyết định đào. Dùng bàn chân để đo khoảng cách, tay rờ rẫm để định hình, cứ thế vừa đào đất, Gix vừa tự đu dây lên quay từng gàu đất mang đổ đi. Ngày hay đêm đối với Gix không quan trọng, cứ nghỉ lấy sức, Gix lại xuống giếng. Chỉ đến khi những dòng nước bắt đầu tràn dần lên, Gix phải nhờ hàng xóm kéo đất lên vì không thể làm một mình. Khi mọi người tới nơi, không ai tin vào mắt mình bởi chiếc giếng sâu khoảng 30m mà Gix đào thẳng tắp, tròn vành vạnh, tràn trề nước. Cả làng thán phục tài của Gix. Thế là Gix có thừa nước dùng, tưới cho hơn 350 cây cà-phê trong vườn. Dù mùa khô khốc liệt nhưng giếng Gix chưa bao giờ cạn nước. Cũng từ đó, tiếng đồn lan xa về việc Gix bị mù nhưng đào giếng rất giỏi. Mùa khô đến, dân làng lại tìm đến nhờ Gix đào giếng, vét giếng. Những khu vực xa cả vài chục cây số, người dân cũng tìm đến bởi Gix đào giếng nào cũng có nước ngay, tiền công lại rẻ hơn người khác. Rồi Gix trở thành phu giếng. Có lúc Gix thuê thêm người để quay đất từ dưới lên, có lúc người nhà thuê đào giếng múc đất lên, còn đích thân tự một mình Gix lần xuống dưới. Gix cho hay: “Giếng nào dễ mình đào khoảng 5-7 ngày, chỗ nào xấu thì phải 10 ngày mới xong. Cứ đào xuống là có nước thôi. Chỉ cần đào xuống hơn 1m là mình sẽ biết dưới có nước hay không?”. Gix là phu giếng đặc biệt khi dùng cảm nhận của các giác quan để tìm mạch nước...


 

 Chiếc giếng sâu 30m Gix tự đào một mình để phục vụ sinh hoạt và tưới vườn cà-phê.
Chiếc giếng sâu 30m Gix tự đào một mình để phục vụ sinh hoạt và tưới vườn cà-phê.




Khi chúng tôi nhắc đến chuyện gia đình, gương mặt Gix chùng xuống, buồn buồn. Bởi lâu nay, Gix tự mò mẫm với bóng tối, thui thủi một mình trong căn nhà nơi cạnh rừng thông cuối làng. Hỏi Gix có anh, chị em đến chơi không, Gix ngồi thần người ra rồi lắc đầu. Rồi Gix hướng ra phía cửa cười hiền hòa: “Mình có dân làng, có nhà nước quan tâm rồi, cũng không buồn đâu! Chỉ buồn là chưa lấy vợ được thôi!”. Trưởng thôn Ksor Dăm An tiếp lời: “Bà con dân làng ai cũng thương thằng Gix lắm, không rượu chè, ham chơi hay ỷ lại là người khuyết tật mà nó còn làm tốt, làm giỏi hơn nhiều người mắt sáng đấy. Làm giếng, làm cà-phê đều được. Gix tiết kiệm được tiền đấy. Gix cũng trở thành tấm gương sáng trong làng. Gix được tặng cả giấy khen của Sở LĐ-TB&XH, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai mà”. Ngồi nghe, Gix chỉ cười hiền lành. Tôi nhìn theo hướng ấy, bên ngoài những hàng thông đang reo trong gió. Bất chợt, thấy Gix như những cây thông mọc quanh làng Tuơh Klah, không cao lớn nhưng cứ tỏa nhánh, rợp bóng đầy sức sống trên miền đất cao nguyên này!

Minh Tân (CAĐN)

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null