(GLO)- Báo Gia Lai số ra ngày 26-5-2014, có đăng bài “Đừng làm khó dân” của tác giả Như Ý, phản ánh cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH)-Công an tỉnh Gia Lai gây khó khăn cho bà Trần Thị Sáng trong việc cấp đổi chứng minh nhân dân (CMND). Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh cảm ơn quý báo và phóng viên Như Ý đã đóng góp ý kiến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn các nhu cầu về cấp, đổi CMND của người dân.
Để kịp thời thông tin, giúp người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về cấp đổi CMND; Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh trao đổi như sau:
Ngày 14-6-2012, bà Trần Thị Sáng (người được đề cập trong bài báo) đến bộ phận chức năng của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh làm thủ tục đổi CMND và đính chính ngày, tháng, năm sinh (từ ngày 15-12-1945 thành ngày 15-12-1942). Tuy nhiên, bà Sáng không xuất trình đuoc75 giấy tờ hộ tịch gốc, hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền chứng minh năm sinh của mình là 1942 để làm căn cứ điều chỉnh (trong khi giấy tờ, thông tin lưu trong tàng thư hộ khẩu, căn cước công dân và CMND cũ đều thể hiện: bà Trần Thị Sáng, sinh ngày 15-12-1945).
Căn cứ khoản 2, Điều 5, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký, quản lý hộ tịch quy định: Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.
Điểm b, Điều 6, Nghị định số 05/1999/NĐ-CP, ngày 3-2-1999 của Chính phủ về CMND và Điểm c, Mục 2, Phần II, Thông tư số 04/1999/TT-BCA(C13), ngày 29-4-1999 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP quy định: Mọi trường hợp đổi, cấp lại CMND có yêu cầu thay đổi, đính chính ngày, tháng, năm sinh phải xuất trình hộ tịch gốc hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung liên quan.
Do đó, để tránh phiền hà tốn kém, đi lại nhiều lần cho bà Sáng, cán bộ tiếp dân vẫn tiếp nhận hồ sơ; đồng thời hướng dẫn bà Sáng liên hệ Tư pháp phường Hội Thương để đăgn ký lại việc sinh (theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký, quản lý hộ tịch, Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 2-6-2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP) để bổ sung hồ sơ và làm căn cứ điều chỉnh năm sinh theo quy định. Nhưng đến thời điểm hiện tại, bà Trần Thị Sáng vẫn không bổ sung được thủ tục liên quan, nên yêu cầu điều chỉnh ngày, tháng, năm sinh của bà Sáng không được giải quyết.
Như vậy, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục đổi CMND của cán bộ tiếp dân, giải quyết CMND thuộc Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh đúng theo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quy định của pháp luật có liên quan. Cán bộ tiếp dân đã hướng dẫn cụ thể để bà Sáng bổ sung các thủ tục cần thiết; nhưng bà Trần Thị Sáng chưa thực hiện.
Để giải quyết cấp đổi CMND mới đúng ngày tháng năm sinh (15-12-1942), trong khi giấy khai sinh bản gốc (hộ tịch gốc) bị mất; Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh đề nghị bà Trần Thị Sáng trực tiếp liên hệ bộ phận Tư pháp thuộc UBND phường (xã, thị trấn) nơi bà đang thường trú để làm thủ tục đăng ký lại việc sinh. Sau khi có kết quả đăng ký lại việc sinh (giấy khai sinh bản gốc và bản sao), bà đến bộ phận hướng dẫn-quản lý-giải quyết CMND thuộc UBND thành phố Pleiku để làm thủ tục cấp đổi CMND và đính chính ngày, tháng năm sinh theo quy định; khi đến mang theo các loại giấy tờ sau: Giấy CMND cũ; 1 giấy khai sinh bản sao, kèm theo bản chính để đối chiếu (kết quả đăng ký lại việc sinh); 1 bản phô tô sổ hộ khẩu gia đình có công chứng; viết đơn cấp đổi CMND (có sẵn tại bộ phận giải quyết CMND).