Phía sau kỳ tích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 29-8, đội tuyển Olympic Việt Nam đã không thể vượt qua đối thủ Hàn Quốc để giành quyền vào chơi trận chung kết môn bóng đá nam tại ASIAD 2018.

Thế nhưng, với đông đảo người hâm mộ bóng đá nước nhà, việc Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào đến vòng bán kết tại một kỳ ASIAD vẫn được coi là kỳ tích. Bởi đây là kỳ tích nên mới có cảnh bất chấp việc thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo thất bại trong trận bán kết, người hâm mộ khắp cả nước vẫn đổ ra đường với lá cờ đỏ sao vàng trên tay, hân hoan hô vang “Việt Nam vô địch”, hệt như khi Olympic Việt Nam giành thắng lợi trước Bahrain hay Syria cách đó vài ngày.

 Tiền vệ Minh Vương sút phạt ghi bàn đẹp mắt cho Olympic Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.
Tiền vệ Minh Vương sút phạt ghi bàn đẹp mắt cho Olympic Việt Nam. (Ảnh nguồn zing)



Trong vô vàn lời khen ngợi mà giới chuyên môn và người hâm mộ nước nhà dành cho màn trình diễn của đội Olympic Việt Nam tại ASIAD lần này, người ta không quên nhắc đến vai trò đặc biệt của HLV Park Hang-seo. Đây cũng là điều từng được nói đến rất nhiều hồi đầu năm khi đội U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông thầy người Hàn Quốc này đã tạo nên kỳ tích với việc lọt vào tới trận chung kết giải U23 châu Á trên đất Trung Quốc.

Vậy đâu là sự đặc biệt của HLV Park Hang-seo khiến người ta phải nhắc nhiều đến thế?        

Để trả lời câu hỏi này có lẽ phải nhìn lại những gì đã xảy ra với bóng đá Việt Nam tại SEA Games 2017. Đây là kỳ SEA Games mà cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ nước ta đều rất tự tin với mục tiêu lần đầu tiên giành tấm huy chương vàng môn bóng đá nam. Niềm tin ấy hoàn toàn có cơ sở bởi suốt từ khi hội nhập trở lại với đấu trường khu vực (năm 1991), chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại sở hữu một thế hệ cầu thủ tài năng đến thế với những gương mặt tiêu biểu như: Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh… Ngoài tài năng, lứa cầu thủ này còn hơn hẳn các đàn anh về kinh nghiệm thi đấu quốc tế khi hầu hết trong số họ đều từng được trui rèn nhiều năm ở những giải trẻ cấp khu vực, châu Á, thậm chí một số còn được chơi ở giải U20 FIFA World Cup. Thế nhưng, đáp lại sự kỳ vọng ấy là nỗi thất vọng tràn trề khi U22 Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng bảng, điều mà từ SEA Games 2001 đến trước SEA Games 2017 mới chỉ xảy ra 2 lần. Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại này được xem là do lỗi của HLV Nguyễn Hữu Thắng trong việc sử dụng cầu thủ không hợp lý.

Nếu HLV Nguyễn Hữu Thắng “có bột” nhưng không thể “gột nên hồ” thì người kế nhiệm là HLV Park Hang-seo lại làm rất tốt, thậm chí vượt trên cả sự kỳ vọng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lẫn người hâm mộ nước nhà. Chỉ chưa đầy 1 năm dẫn dắt các đội tuyển bóng đá nam nước ta, vẫn chủ yếu sử dụng những gương mặt từng chơi rệu rã dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng (có bổ sung thêm một số cầu thủ khác) nhưng ông thầy người Hàn Quốc đã biến đội bóng của mình thành một tập thể cực kỳ khó đánh bại, ngay cả với các đội bóng hàng đầu châu lục.

Theo dõi hành trình của đội U23 và đội Olympic Việt Nam thời gian qua, các nhà chuyên môn đã chỉ ra nhiều điều đặc biệt của HLV Park Hang-seo như: cách gắn kết các cầu thủ thành một tập thể đoàn kết thay vì chỉ là tập hợp của những cá nhân hay những nhóm cầu thủ; kiên định trong xây dựng lối chơi chuyền bóng ngắn, nhanh, chính xác và luôn duy trì sự chủ động trong mọi tình huống; khả năng phân tích đối thủ, đọc trận đấu để điều chỉnh chiến thuật, nhân sự phù hợp; luôn khơi dậy niềm tin chiến thắng trong các học trò… Nhưng với cá nhân tôi, điều đặc biệt nhất mà ông Park Hang-seo để lại trên góc độ người thầy, đấy là sự công bằng khi lựa chọn cầu thủ lên tuyển hay ra sân trong từng trận đấu, là khả năng đánh thức những tố chất tiềm tàng của học trò, là việc dám đứng ra nhận trách nhiệm khi thất bại và nhất là tình yêu thương chân thành dành cho những cầu thủ của mình như thể một người cha đối xử với con. Những điều ấy, ai chịu khó để ý đều dễ dàng nhận ra.

Bóng đá từ lâu đã không đơn thuần là một môn thể thao để người trong cuộc phô diễn tài năng, đua tranh thành tích hay để người hâm mộ giải trí với đủ thứ hỉ nộ ái ố. Nhìn sâu vào bóng đá, người ta có thể rút ra được rất nhiều bài học bổ ích cho cuộc sống. Phía sau những kỳ tích của HLV Park Hang-seo khi dẫn dắt đội U23 và Olympic Việt Nam thời gian qua, đó là bài học về sử dụng người tài, bài học về đánh thức tiềm lực trong mỗi cá nhân, bài học về tinh thần đoàn kết đi tới mục tiêu… mà mỗi người, dù ở lĩnh vực nào, đều có thể học hỏi.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm

Hào hứng chinh phục cung đường Half Marathon Chư Pưh

Hào hứng chinh phục cung đường Half Marathon Chư Pưh

(GLO)- Sáng 8-12, hơn 850 vận động viên (VĐV) trong và ngoài tỉnh đã hội tụ về Giải chạy Half Marthon Chư Pưh 2024 lần thứ I với chủ đề “Bước chạy xanh-Thân thiện với môi trường”. Các chân chạy đều hào hứng khi được chinh phục cung đường đẹp nhưng đầy thử thách của vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai.

Hoàng Anh Gia Lai tuyển sinh cầu thủ trẻ

Hoàng Anh Gia Lai tuyển sinh cầu thủ trẻ

(GLO)- Chiều 5-12, Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết sẽ tiến hành tuyển sinh cầu thủ trẻ tại Gia Lai nhằm tìm kiếm lứa cầu thủ kế cận cho đội bóng thông qua sự kiện Festival “Chiến binh tương lai HAGL”.

Tennis là một trong những môn thể thao bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự phát triển của pickleball. Ảnh: L.V.N

Pickleball “lấn sân” tennis

(GLO)- Pickleball đang có sự phát triển mạnh mẽ trong cả nước và Gia Lai cũng không ngoài cuộc. Môn thể thao mới này thậm chí còn “lấn sân” những môn thể thao truyền thống, đặc biệt là tennis.

Hàng năm, các giải thể dục-thể thao được địa phương tổ chức. Ảnh: K.P

Ia Nhin đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng

(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.