Phát hiện mới về tổ tiên loài người từ những mẫu hóa thạch ở Nam Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghiên cứu mới áp dụng kỹ thuật tiên tiến đã phát hiện ra rằng, “Mrs Ples” và các hóa thạch khác được phát hiện trong hang động Sterkfontein ở Nam Phi có niên đại từ 3,4 đến 3,7 triệu năm.
 
Hình ảnh những mẫu hóa thạch Australopithecus được tìm thấy trong hang động Sterkfontein ở Nam Phi. Nguồn: CNN
Hình ảnh những mẫu hóa thạch Australopithecus được tìm thấy trong hang động Sterkfontein ở Nam Phi. Nguồn: CNN
Theo nghiên cứu mới, những mẫu hóa thạch tổ tiên lâu đời nhất của loài người được tìm thấy tại Nam Phi có niên đại lâu hơn 1 triệu năm so với nghiên cứu trước đây. Điều này có nghĩa là họ đã tồn tại trên Trái Đất cùng thời với những người cổ đại sinh sống tại Đông Phi.
Các hang động Sterkfontein tại di sản thế giới “Cái nôi của Nhân loại” ở Tây Nam Johannesburg (Nam Phi) là nơi chứa nhiều hóa thạch vượn người phương nam (Australopithecus) hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới.
Trong số đó, hóa thạch có biệt danh là “Mrs Ples,” được xem là hộp sọ hoàn chỉnh nhất của loài Australopithecus africanus, được tìm thấy ở Nam Phi vào năm 1947.
Nghiên cứu mới áp dụng kỹ thuật tiên tiến đã phát hiện ra rằng “Mrs Ples” và các hóa thạch khác được phát hiện gần đó có niên đại từ 3,4 đến 3,7 triệu năm.
Các nhà khoa học trước đây đánh giá thấp niên đại của các hóa thạch này do tính toán dựa trên đá canxit, loại đá hình thành muộn hơn so với phần đá còn lại của hang động này.
Dựa trên các phép tính toán trước đó của giới chuyên môn, “Mrs Ples” và các hóa thạch khác được tìm thấy dưới độ sâu tương tự của hang động có niên đại ước tính khoảng từ 2,1-2,6 triệu năm.
Tuy nhiên, nhà khoa học Pháp Laurent Bruxelles, một trong những tác giả của nghiên cứu mới, cho biết “theo thứ tự thời gian thì điều đó không phù hợp.”
Khoảng 2,2 triệu năm trước, Homo habilis - loài lâu đời nhất của chi Homo - vốn đã xuất hiện trong khu vực. Nhưng không có dấu hiệu của Homo habilis ở cùng độ sâu của hang động, nơi “Mrs Ples” được tìm thấy.
Chuyên gia này cho rằng: “Thật lạ khi thấy một số Australopithecus tồn tại trong một thời gian dài như vậy."
Bên cạnh đó, nghiên cứu mới hoài nghi về niên đại của “Mrs Ples” khi cho thấy bộ xương gần như hoàn chỉnh của loài Australopithecus có tên “Little Foot” có niên đại cách đây 3,67 triệu năm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng dường như khó có thể có khoảng cách lớn giữa niên đại của “Mrs Ples” và “Little Foot,” nhất là khi hai hoá thạch chỉ cách nhau một ít lớp trầm tích.
Phát hiện mới có thể làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về lịch sử tổ tiên của loài người. Nghiên cứu đã được công bố ngày 27/6 trên tạp chí khoa học PNAS.
Theo Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm