Phan Tiêu Phong và hành trình tạo nên thương hiệu Phong Casta

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để có được vị trí vững chắc trong lòng mọi người hôm nay, ít ai biết được chàng trai Phan Tiêu Phong đã mạnh dạn từ bỏ ước mơ trở thành một kiến trúc sư và cam chịu cảnh xa nhà 8 năm biền biệt. Với anh, “không gì là không thể” khi tự mình muốn dấn thân và không ngừng tìm tòi, sáng tạo những điều mới mẻ.

Cơ duyên với nghề

Phan Tiêu Phong sinh năm 1979 tại mảnh đất Tây Sơn Thượng đạo mang dấu ấn của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ. Cuộc sống một gia đình thuần nông với 12 người con không bao giờ là chuyện dễ dàng, thế nhưng, Phong cùng các anh chị em luôn ý thức nỗ lực học hành. Sau khi học xong cấp 3, anh chọn thi vào Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh với mong muốn viết tiếp ước mơ trở thành một kiến trúc sư nhưng bất đạt. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục thử sức với Khoa Trang trí nội thất-Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Anh Phong bảo rằng, để có được vị trí trong lòng mọi người hôm nay, bản thân anh đã phải đánh đổi nhiều thứ. Ảnh: Hồng Thi
 Phong bảo rằng, để có được một Phong Casta trong lòng mọi người hôm nay, bản thân anh phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Ảnh: Hồng Thi

Những tưởng hành trình đến với ước mơ sẽ dần được rút ngắn, thế nhưng gần nửa năm học trôi qua cũng là lúc Phong nhận ra năng khiếu không qua đào tạo của mình không phải là “yếu tố đặc biệt” để anh có thể biến ước nguyện thành hiện thực. Khoảng cách giữa anh và các bạn học ngày càng xa về trình độ lẫn khả năng cảm thụ hội họa. Cũng trong khoản thời gian này, anh đi làm thêm cho một tiệm chụp hình cưới ở quận Thủ Đức-TP. Hồ Chí Minh trong vai trò thợ chỉnh sửa ảnh qua phần mềm photoshop, với mức lương 800.000 đồng/tháng.

“Ban đầu đi làm cũng chỉ nhằm mục đích kiếm tiền trang trải học phí nhưng làm riết rồi thấy thích, thấy đam mê. Bản thân tôi cũng chăm chỉ và chịu khó học hỏi nên chủ tiệm thương, tạo điều kiện chỉ dạy hết mức. Thế là từ một thằng chỉ chỉnh sửa ảnh, tôi dần dần biết thêm được các khoản quay phim, dựng phim, chụp ảnh, thậm chí tư vấn bán hàng cho khách. Xét thấy học kiến trúc không khả thi nên tôi quyết định bỏ học, chuyển hẳn sang làm việc chuyên nghiệp cho tiệm. Đến giờ tôi cũng không nghĩ ra rằng đó lại là quyết định mang tính bước ngoặt của đời mình”-anh Phong chia sẻ.

Bức ảnh cưới được thực hiện tại Phong Casta. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bức ảnh cưới được thực hiện tại Phong Casta. Ảnh: Phan Tiêu Phong

Vì ngày ấy không có điện thoại nên hầu như Phong chẳng liên lạc với gia đình. Những ngày lễ, Tết, anh cũng ở lại Sài Gòn làm việc, cố gắng kiếm tiền rồi dành dụm. Cứ thế mãi miết suốt 8 năm trời, anh không một lần hồi hương, chỉ lẳng lặng nhờ người quen báo tin về cho ba mẹ yên tâm. Nỗi nhớ nhà, Phong chỉ biết cố nén vào tận sâu tâm khảm.

Xây dựng và khẳng định thương hiệu

Năm 2006, Phong vác ba lô trở về An Khê trong sự mừng vui hạnh ngộ của người thân. Chị gái anh khi ấy kinh doanh dịch vụ cho thuê đồ cưới nên Phong giúp chị chụp ảnh cho khách. 1 năm sau đó, anh khởi công xây dựng thương hiệu studio cưới của riêng mình mang tên Phong Casta trên diện tích khiêm tốn khoảng 150 m2.

Tuy nhìn vẻ ngoài không quá lung linh song bên trong là một
Tuy nhìn vẻ ngoài không quá lung linh song bên trong là một "thiên đường cưới" đáng để khám phá. Ảnh: Hồng Thi

“Gia tài” ban đầu của anh chỉ dựa trên số vốn 10 triệu đồng với 10 chiếc váy cưới, vài bộ vest và áo dài. Dịch vụ trọn gói của tiệm lúc đó gồm: chụp ảnh cưới, tiệc, quay phim, in thiệp… chỉ có giá 2-3 triệu đồng. “Khi ấy chỉ cần mỗi ngày tầm 2 cô dâu đến thuê là tiệm trống trơn, không còn 1 bộ đồ nào. Khách cứ nói đùa với tôi, nhìn tiệm to thế mà đồ không có”-anh Phong cười nhớ lại. Sau này, theo kiểu gối đầu, anh dần mở rộng quy mô về số lượng lẫn chất lượng dịch vụ. Vì thế, lượng khách hàng đến với Phong Casta không ngừng tăng lên.

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Phan Tiêu Phong:

- Dám từ bỏ ước mơ không phù hợp để thử sức với những điều mới  mẻ.

- Thành công chỉ đến với những người chăm chỉ, miệt mài, không ngại khó ngại khổ và không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới.

- Kịp thời nắm bắt thị hiếu khách hàng, phải luôn làm tốt hơn những gì khách hàng mong đợi.

Một điều đáng nói ở Phong đó là anh không cho phép mình giậm chân tại chỗ mà lúc nào cũng tìm tòi, sáng tạo cái mới, cái thú vị bởi không muốn lạc hậu thì phải đi trước, đón đầu. Chính vì thế, năm 2014, anh bỏ ra 1 tỷ đồng để thuê đội ngũ thiết kế từ Hà Nội vào xây dựng nên phim trường chụp ảnh cưới đầu tiên tại thị xã An Khê nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Với không gian đa dạng được thiết kế theo phong cách Hàn Quốc, Châu Á, Châu Âu…, đây thực sự đã trở thành nơi lý tưởng để các cặp đôi lựa chọn nhằm ghi lại cho mình những bức ảnh đẹp mà chẳng phải mất nhiều thời gian, công sức hoặc phụ thuộc vào thời tiết.

Anh Phong hướng dẫn các cặp đôi cách tạo dáng để có những bức hình đẹp ngay tại phim trường của mình. Ảnh: Hồng Thi
Anh Phong (áo xanh) hướng dẫn cô dâu-chú rể cách tạo dáng để có những bức hình đẹp ngay tại phim trường của mình. Ảnh: Hồng Thi

Không dừng lại ở đó, năm 2015, anh tiếp tục đầu tư mở rộng phim trường thêm 1.600 m2 nữa, dựng lên các khung cảnh thiên nhiên như hồ bơi, ao sen, vườn hoa, cầu cảng… với chi phí hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư hơn 40 triệu đồng để mua thêm công cụ quay phim Flycam (quay phim trên không) nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Và hiện tại, ở thị xã An Khê, chỉ duy nhất Phong Casta có dịch vụ này.

Dù số vốn đầu tư bỏ ra tương đối lớn song đổi lại, khách hàng tìm đến và lựa chọn dịch vụ cưới tại Phong Casta ngày càng đông. Nếu trước đây, mỗi ngày tiệm chỉ có thể thực hiện chụp ảnh cho 1-2 cặp cô dâu-chú rể thì từ khi có phim trường, cao điểm có thể chụp cho 4 cặp/ngày. Số nhân viên phụ việc vì thế cũng được tuyển thêm, hiện tiệm có 9 thợ chụp, quay, dựng, chỉnh sửa ảnh lẫn chuyên viên tư vấn, trang điểm với mức lương được trả 6-7 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng tháng của Phong Casta giờ đã chạm mức trên dưới 200 triệu đồng, đúng như mơ ước của anh lúc còn làm thêm cho tiệm chụp ảnh ở Sài thành nhiều năm về trước.

Khách hàng tin tưởng, tìm đến Phong Casta ngày càng đông. Ảnh: Hồng Thi
Khách hàng tin tưởng, tìm đến Phong Casta ngày càng đông. Ảnh: Hồng Thi

Khó khăn hiện nay là các tiệm cưới mọc lên rất nhiều, sự cạnh tranh vì thế cũng ngày một lớn. Điều ấy đòi hỏi các studio phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ lẫn thái độ phục vụ mới mong đứng vững với thương hiệu của mình. Do đó, sắp tới, anh sẽ tiếp tục mở xưởng may áo cưới và cửa hàng áo cưới cao cấp tại thị xã An Khê chuyên bán và cho thuê.

Anh Phong bày tỏ: “Thực tiễn làm việc cho tôi thấy có nhiều cặp cô dâu-chú rể gầy quá hoặc béo quá nên vô cùng khó khăn khi lựa chọn trang phục cưới. Vì thế, xưởng may ra đời sẽ giúp những người như thế có cơ hội sở hữu những trang phục cưới vừa vặn với cơ thể, tạo cho họ sự tự tin trong ngày trọng đại của đời mình. Không những thế, tôi còn mở dịch vụ bán vật tư trang trí tiệc cưới và hướng dẫn khách hàng tự trang trí cho không gian cưới tại gia thêm lung linh”.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.