Phải lòng Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thế là lần đầu tiên tôi không phải lòng một chàng trai, mà phải lòng một Pleiku giữa thênh thang núi đồi, giữa bạt ngàn đất đỏ và ngạt ngào hương cà phê.
 
Chếnh choáng say, say cà phê đậm đặc, say cả cái độ dốc đổ dài theo triền đồi của phố núi đầy sương. Càng quấn chặt chiếc khăn quàng vào cổ, chiếc khăn càng như cố tình tuột khỏi và ngã lòng bay theo gió – những làn gió miệt mài lồng lộng không ngừng thổi trên cao nguyên huyền diệu… Chiếc khăn chỉ chịu im lặng cho đến khi trở nên nặng trĩu vì ngấm nước mưa. Mưa Pleiku!
Đây có lẽ là những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa năm nay ở Tây Nguyên. Mưa ở phố núi Pleiku cứ tạo cho kẻ lang thang là tôi cảm giác như tất cả nước Biển Hồ bị tung lên trời rồi đổ ập xuống rầm rầm. Mới đó thôi Biển Hồ còn căng mọng, xanh thẳm, vậy mà giờ đã rộn ràng, thánh thót tiếng mưa. Ghé vào quán gọi một ly cafe đen, để tha hồ ngắm mưa, run rẩy hít hà bầu không khí lạnh mát, lắng nghe bốn mùa chộn rộn trong một ngày. Và để cảm nhận cái yên bình đến lạ của vùng cao nguyên đất đỏ. Trong mưa, người ta chẳng thèm cất những cây phong lan rừng nở rộ bị trốc bật gốc bày bán đầy trên vỉa hè. Cafe ở đây đậm đặc, nguyên chất và “nặng đô”, cũng giống như Pleiku vậy.
Những người gốc Pleiku xa quê vẫn khắc khoải về một phố núi những năm 1980, thậm chí 1990 không khác nhiều Pleiku những năm 1970 của nhà thơ Vũ Hữu Định: “…phố núi cao phố núi đầy sương phố núi cây xanh trời thấp thật buồn”. Giữa thập kỷ 1980, Phố Núi – Pleiku cũng chỉ loanh quanh vài con đường chính, như Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Trần Phú… còn lại là những con đường nhỏ gập ghềnh đá xanh.
 
Khi đến mảnh đất này cũng đều đã có một Pleiku cho riêng mình
Gọi là phố nghe có vẻ sang, nhưng thực tế, ngoài hai bên đường phố chính Hùng Vương chỉ một vài ngôi nhà hơi cao cao như rạp chiếu phim Diệp Kính, trường phổ thông trung học Pleiku 1… còn lại toàn là những ngôi nhà trệt cũ kỹ, lợp tôn mè có từ lâu lắm. Nhưng Pleiku xưa sao mà nhiều sương.
Buổi sáng, 8 – 9 giờ sương mới tan. Còn buổi chiều, lạnh đến kinh khủng. Nhất là vào những ngày tháng cuối năm, trước Giáng sinh độ vài tuần, nhiều khi xuống dưới 10oC. Cái lạnh của Phố Núi đã ban cho con gái miền quê này làn da trắng, má hây hây đỏ và đôi mắt sáng như Biển Hồ đầy.
Đến Pleiku hôm nay, được nghe lại bài hát Còn Chút Gì Để Nhớ sẽ có nhiều cảm xúc cũ – mới dâng trào. Ngày ấy, nhà thơ họ Vũ viết: “Phố xá không xa nên phố tình thân, đi dăm phút đã về chốn cũ”. Còn bây giờ, Pleiku vẫn những con dốc ấy nhưng nhà cao tầng mọc lên, làm con dốc Diệp Kính có vẻ lùn xuống. Đâu còn dáng lẻ liêu xiêu, chênh vênh của Phố Núi xưa. Quán café Kim Liên, Thu Hà, Uyên… vẫn còn đó nhưng không còn nét riêng, hay nói cách khác là đã hoà nhập vào kiểu thiết kế thời thượng của những quán café kiểu mới: bàn cao, ghế cao, sofa... Rồi vài năm gần đây còn có món “phở khô Gia Lai” mà nhiều người “thủ cựu” chỉ thích gọi phở khô Pleiku. Nhiều quán ăn ở Sài Gòn cũng đã kinh doanh món này, nhưng để ăn ngon, phải về Phố Núi.
…..
Đấy là chuyện của những người xa quê, còn tôi chỉ là một kẻ lãng du mê chơi thì thấy Pleiku café ngon tuyệt. Những “buổi chiều ngồi ngóng từng chuyến mưa qua” như thế này, bó gối trên chiếc ghế đẩu xỉn màu, nhìn những giọt cà phê nguyên chất có màu nâu đen nhỏ long tong xuống ly thủy tinh, chưa uống đã thấy đê mê. Còn lúc uống thì thơm ngon đến không thể diễn tả nổi. Cái cảm giác sánh đặc, thơm ngọt, đăng đắng ngấm từ đầu lưỡi, rồi đọng mãi trong cuống họng quả thật đến chết không quên.
 
Tôi gặp ở Pleiku những người từ nơi khác đến, họ sống phóng khoáng và rộng mở
Tôi gặp ở Pleiku những người từ nơi khác đến đây sinh sống, nhưng giống tôi, họ yêu Pleiku một cách tuyệt đối. Họ sống phóng khoáng và rộng mở. Ở họ có một chút gì như cà phê Pleiku, không thơm lừng như hương liệu, nhưng đậm đặc, ngấm sâu và để lại dư vị dịu dàng rất khó quên. Khi tôi ở Pleiku, thường nghe bạn bè mời mọc: “Ở lại đi!”. Khi rời Pleiku lại nghe nói: “Trở lại đi!”. Hình như ai cũng thế, khi đến mảnh đất này cũng đều đã có một Pleiku cho riêng mình, một nơi thân quen đến mức, có thể trở về bất cứ lúc nào.
Có đôi khi, trong một cú điện thoại bất ngờ nào đó, tôi trót nói một câu từ vô thức: Thèm ghé Pleiku quá trời rồi! Tưởng như lúc đó, tôi liền thấy vị cafe đắng Pleiku trở lại, thấy những con phố nghiêng nghiêng trong chiều, thấy bầu trời Pleiku chan hòa nắng sau cơn mưa dài. Thấy tôi một buổi chiều nào đó, ngồi một mình trong quán cafe Pleiku, gọi phục vụ xin nghe bài Còn Chút Gì Để Nhớ trong lúc bên ngoài trời như trút nước. Biết đâu lúc đó tôi lại huyễn nhớ về một nơi khác, cũng như bây giờ, tôi không còn được ở Pleiku mà lại nhớ về Pleiku.
Miny (TCCT)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.