Phá rừng lấy đất ở Ea Kar: Vén bức màn dối trá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng nghìn héc ta rừng bị cạo trọc, hàng trăm héc ta đất lâm nghiệp lọt vào tay các chủ đất để đưa vào vòng quay của việc mua bán, chuyển đổi... làm thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỉ đồng tiền thất thoát giá trị gỗ rừng, giá trị đất và tiền thuế.
 
Gỗ rừng bị triệt hạ tại rừng Ea Kar mà PV Pháp luật Plus ghi lại.
Cố ý làm trái
Sau khi phát hiện sự việc chúng tôi đã ghi nhận thực tế tại các xã có rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, thật đau xót khi rừng mất, đất rừng mất hàng nghìn héc ta. Pháp luật Plus đã đăng ký làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk đến nay khoảng hơn 1 tháng nhưng vẫn chưa có hồi âm.
 
Khu đất trồng Cam nghi vấn của ông T. Đội Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk nằm trong đất của công ty.
Theo quy định thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar trực thuộc UBND tỉnh, mọi hoạt động liên quan đến xét duyệt, liên doanh, liên kết và giao đất công ty đều phải có văn bản trình lên UBND tỉnh Đắk Lắk, sau đó UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu phương án.
Sau khi các sở ngành phối hợp với UBND huyện xuống kiểm tra xem báo cáo của công ty có đúng với văn bản báo cáo không sau đó đoàn về tham mưu cho UBND tỉnh xem phương án đó có phù hợp không rồi UBND tỉnh mới có Quyết định đồng ý phương án của Công ty.
Quy trình chặt chẽ là vậy, nhưng... sự thật thì trái ngược.
Đáng lưu ý, ngày 13/9/2018 UBND tỉnh Đắk Lắk mới ban hành Quyết Định số 2211/QĐ-UBND Về việc phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar.
Tuy nhiên, các hợp đồng liên doanh, liên kết với các hộ dân, cộng đồng dân cư công ty đã tiến hành làm từ năm 2007. Tức là phía Công ty đã "chủ động" và tự quyết việc làm này trước khi quyết định số 2211/QĐ-UBND ban hành năm 2018 có hiệu lực 11 năm!
 
Hồ sơ Liên doanh, liên kết với Công ty có 20 héc ta nhưng đất bán của ông Quỳnh lên đến hơn 30 héc ta.
Theo Nghị định 135; Nghị định 187 của Chính phủ thì những người được nhận rừng và liên kết trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng là những cá nhân, gia đình thiếu đất, sống gần rừng, có khả năng trồng, chăm sóc diện tích rừng nhận khoán và liên kết.
Nhưng ở các danh sách những người được giao đất theo diện này thì sổ của một số hộ người đồng bào bị gom vào “chúa đất” để bán. Còn đa số toàn những hộ gia đình xa rừng, đất được giao khoán, liên kết thì bị biến thành của riêng (lưu ý - những hộ nhận đất rừng theo Nghị định 135 không mất tiền thuê đất).
Người dân nơi đây đang tự câu hỏi, tại sao lúc nào Công ty cũng giải trình là thiếu nhân lực, địa bàn rộng nên việc tàn phá rừng vẫn xảy ra?. Tại sao không quản lý nổi thì để đơn vị khác làm công việc đó, có đủ năng lực hơn. Giờ đây Công ty có đầy đủ "binh hùng, tướng mạnh" mà sao đất vẫn bị lấn chiếm?
 
Đất rừng, hoá thành đất của riêng!
Con số 2.556,36 héc ta bị lấn chiếm toàn là những mảnh đất màu mỡ, ngoài bìa rừng bị mất. Từ đó mới thấy được có bao nhiêu nghìn m3 gỗ bị mất, bị lọt vào tay đầu nậu, lâm tặc. Nếu tính đơn giản chỉ 250 triệu đến 300 trăm triệu/1 héc ta (tính theo giá môi giới đất đai tại khu vực) nhân với 2.556,36 diện tích rừng mất thì hàng trăm tỷ đồng tài sản của Nhà nước đã bị thiệt hại. Thật đau xót.
Với những thông tin mà Pháp luật Plus điều tra, ghi nhận được thì nghi vấn lãnh đạo Công ty buông lỏng quản lý khiến các đối tượng phá rừng, bán đất cho một số đối tượng chủ đất là có sơ sở.
Thờ ơ
Trong buổi làm việc với ông Phan Văn Đức - PGĐ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar thừa nhận để người dân nhận đất trồng cam, quýt, không xin phương án của UBND tỉnh là sai với quy định.
Việc công ty buông lỏng quản lý cho các đối tượng phá rừng lấy gỗ và chiếm đất, bán đất là không có. Lãnh đạo và nhân viên công ty không có dính dáng gì đến vấn đề đất rừng.
Trong các hợp đồng liên kết có nhiều hợp đồng không ghi hiện trạng đất (còn rừng hay đất trống), tỉ lệ cây rừng phần trăm là bao nhiêu?.
Khi chúng tôi đề nghị cung cấp danh sách về số tiền thu của các hộ được nhận đất theo Nghị định 135; Nghị định 187 thì ông Đức nói là không cung cấp được?
Chưa bằng lòng với những gì phía Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar đã trả lời, những vướng mắc còn rất nhiều chưa có lời đáp.
 
Gỗ rừng cứ biến mất, các "quan" bận đổ lỗi cho nhau.
Pháp luật Plus đã tìm gặp lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở nhiều lần từ chối và giao cho Chi cục kiểm lâm làm việc với PV.
Ông Y Sy HDơk - Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm và các cơ quan chuyên môn trong chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Công ty giao khoán theo Nghị định 01, 135 cho 81 hộ với 139,47 héc ta. Liên doanh, liên kết với bên ngoài là 1.400 héc ta, khi Công ty muốn làm gì trên diện tích đất được giao phải trình UBND tỉnh cho phép thì mới được sử dụng theo phương án đã cho, còn Công ty tự ý giao như vậy là sai so với quy định. Công ty không có báo cáo về sở về việc mất rừng, mất đất. Về mặt đất đai phải là Sở TN&MT quản lý, chúng tôi chỉ kiểm tra về mặt Quản lý bảo vệ rừng”.
Trong khi đó, ông Trần Đình Nhuận - Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Đắk Lắk thì quả quyết: "Việc để mất rừng công ty để mất thì lãnh đạo Công ty phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.
 
Ông Trần Đình Nhuận - PGĐ Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk.
Tại Quyết định 2211/2018, phê duyệt phương án sử dụng đất của UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar tại mục 5 có ghi rõ: "Giao UBND huyện Ea Kar phối hợp với công ty lập hồ sơ thu hồi đất, rừng, giao rừng, cho thuê rừng, nhận bàn giao đất, rừng về địa phương để quản lý theo quy định. Phối hợp với công ty kiểm tra, rà soát các đối tượng lấn chiếm đất rừng theo quy định, ra quyết định thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để giao lại cho công ty quản lý, trồng lại rừng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiểm tra, xử lý nghiêm, các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất rừng. Kiểm tra, theo dõi việc quản lý, sử dụng đất và thực hiện phương án sử dụng đất của công ty mà Quyết định 2211/2018 của UBND tỉnh”.
Quyết định là vậy nhưng khi chúng tôi đến đăng ký làm việc về vấn đề này thì ông Chánh Văn Phòng UBND huyên Ea Kar - Nguyễn Trọng Thắng hẹn đến 5 lần, mỗi lần PV xuống đều chưng hửng trở về.
Không nản lòng, Pháp luật Plus cũng có liên hệ với ông Lê Đình Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Chiến cũng hẹn đến 3 lần và PV cũng "mừng hụt" mà đi về.
Ngọc Anh (Pháp luật Plus)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.