(GLO)- Sinh ra và lớn lên tại làng Phung (nay là làng Phung A, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), ông Siu Biai rất được dân làng nơi đây kính phục bởi uy tín và sự giỏi giang của mình. Không những luôn đi đầu trong mọi hoạt động phong trào của địa phương, ông còn là người xây dựng và phát triển kinh tế gia đình bền vững nhất nhì làng. Có lẽ thế mà ông được nhiều người ví như vị thủ lĩnh của làng Phung A.
14 năm làm Trưởng thôn
Giữ chức vụ Phó thôn từ năm 1994, đến năm 1999, ông Siu Biai được dân làng Phung tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn cho đến giờ. Trong suốt quá trình ấy, ông luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức về pháp luật, không ngừng nghiên cứu về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước sao cho bản thân mình phải thật hiểu, thật thông suốt thì khi nói dân làng mới hiểu và nghe theo. Song song với đó, ông luôn là người nêu gương trong tất cả các hoạt động, phong trào, tận tình giúp đỡ bà con dân làng khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống và sản xuất.
Ông Siu Biai đã góp phần giúp làng Phung A thay da đổi thịt. Ảnh: Hồng Thi |
Đứng đầu ngôi làng từ lâu vốn bị nhiều người gọi là “làng cùi”, kỳ thị tránh xa bởi căn bệnh phong quái ác, hơn ai hết, ông Biai thấu rõ mặc cảm bệnh tật của người dân nơi đây. Vì thế, ngoài an ủi, động viên, ông còn tuyên truyền để người dân tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giúp bà con chữa trị, đẩy lùi bệnh tật; đồng thời thuyết phục họ vượt qua mặc cảm, cố gắng phát triển kinh tế để có cái ăn, cái mặc, vượt qua đói nghèo.
Ông Biai phấn khởi nói: “Nói chung dân làng giờ cũng biết nghe lời mình lắm, không ai còn theo lời kẻ xấu xúi giục nữa. Người nào cũng chí thú làm ăn, trồng tiêu, lúa, bắp, nuôi con dê, con bò… Nay, hầu như nhà ai cũng có xe máy, cất được nhà xây. Con cái cũng cho đến trường học cái chữ để mà sau này được thì quay lại giúp dân làng mình”.
Những vườn tiêu xanh ngày một mọc lên nhiều nơi ngôi làng trước đây vốn đầy rẫy khốn khó và bệnh tật. Ảnh: Hồng Thi |
Bên cạnh đó, ông cũng góp phần giúp dân làng Phung A biết hòa thuận, đoàn kết hơn thông qua việc hòa giải thành công các vụ tranh chấp đất sản xuất, ly hôn, mâu thuẫn giữa các gia đình… Sau khi nghe vị Trưởng thôn giảng giải, phân tích, bên nào cũng đều thấy có lý và nể phục. Từ đó, họ chẳng bao giờ gây hiềm khích với nhau nữa mà còn giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khó khăn.
Tiên phong trong sản xuất
Ông Siu Biai chia sẻ: “Muốn dân tin, dân làm theo thì phải cho họ nhìn thấy. Vì thế, mình phải làm, cố gắng phát triển kinh tế, phần để trang trải cuộc sống gia đình, phần để có kinh nghiệm, điều kiện mà giúp đỡ bà con khi họ cần”. Chính từ suy nghĩ đó mà ngoài những giờ phải đảm trách công việc của một trưởng thôn, ông Biai luôn có mặt ngoài đồng, tự tay chăm sóc ruộng lúa, vườn tiêu.
Ông Siu Biai trao đổi với phóng viên về kỹ thuật trồng tiêu của mình. Ảnh: Hồng Thi |
Có ghé thăm vườn tiêu của ông Biai mới thấy được tâm huyết mà ông dồn vào nó. Tiêu trụ nào trụ nấy xanh mướt, nặng quả, vườn được làm cỏ rất sạch sẽ, tinh tươm. Có thể nói, đây là một trong những vườn tiêu đẹp trên địa bàn xã Ia Phang. Đến nay, gia đình ông trồng được 2.700 trụ tiêu, trong đó 1.800 trụ đã cho thu hoạch, còn lại 900 trụ vừa trồng mới. Năm 2012, sau khi trừ hết chi phí, ông thu về được 400 triệu đồng. Ông cũng dự tính nhân rộng thêm 500 trụ tiêu nữa trong thời gian tới.
Ngoài tiêu, ông Biai còn trồng thêm 1,5 ha lúa với năng suất trung bình 8 tấn/vụ; 1,2 ha bí đỏ; 2 ha bắp lai; mức thu trung bình khoảng 150 triệu đồng/năm. “Năm ngoái trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình mình khoảng trên 500 triệu đồng. Năm nay thì chắc giảm nhiều bởi giá cả hạ quá, lại thêm mất mùa. Tiêu thì cứ chết lai rai, nhìn mà xót”- ông Siu Biai tâm sự.
Ngôi nhà khá khang trang của ông Biai được xây dựng sau nhiều năm nỗ lực phát triển kinh tế của gia đình. Ảnh: Hồng Thi |
Song song với việc chăm lo sản xuất tại gia đình, Trưởng thôn Biai cũng thường xuyên hướng dẫn bà con trong làng cách trồng và chăm sóc tiêu, cà phê và các cây trồng, vật nuôi khác. Không những thế, ông còn hỗ trợ cho bà con giống tiêu và cho những hộ khó khăn có rẫy tiêu cạnh vườn mình dùng máy bơm, điện, nước giếng của mình để tưới. Ngoài ra, với chiếc máy cày sẵn có của gia đình, ông Biai cũng thường giúp dân làng cày xới đất đai để trồng cây lúa, cây bắp. Đến khi nào thu hoạch, bà con mới trả tiền công cho ông chứ ông không lấy ngay. Thậm chí, với những gia đình nghèo, khó khăn, ông Biai cũng cày xới giùm mà chẳng tính toán chuyện tiền nong.
Với những đóng góp tích cực của mình cho địa phương, ông Siu Biai được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của huyện, tỉnh về gương sản xuất, kinh doanh giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cũng như chứng nhận già làng uy tín trong nhiều năm liền.
Hồng Thi