Nhiều năm qua, hoạt động của các nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân sống xung quanh. Chính quyền và ngành chức năng từ huyện đến tỉnh đã vào cuộc song tình trạng ô nhiễm môi trường của các nhà máy này vẫn chưa được khắc phục.
Nằm ngay phía sau nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty 72 (Binh đoàn 15), suốt 7 năm nay, gia đình ông Hoàng Văn Khoát (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla) thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối bốc lên từ các bể chứa nước thải của nhà máy. Theo ông Khoát, cứ vào mùa nhà máy chế biến mủ (từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau) thì mùi hôi thối lại xuất hiện, nặng nhất là vào tháng 6 và tháng 7.
Vận chuyển mủ tạp. Ảnh: Tiến Dũng |
Cách nhà máy chừng 300 mét, gia đình bà Mai Thị Nguyệt và gia đình ông Nguyễn Huy Lâm (cùng ở thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla) cũng không thoát được mùi hôi thối nồng nặc. Nắng cũng như mưa, mùi thối từ khu bể chứa nước thải của nhà máy lại theo gió vượt qua cánh đồng Ia Bang xộc thẳng vào khu dân cư. Bà Nguyệt bức xúc: “Người dân đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo nhà máy và chính quyền về vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng đâu lại vào đấy. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Công ty phải có trách nhiệm xử lý nước thải để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.
Làm việc với chúng tôi, ông Ksor Giao- Chủ tịch UBND xã Ia Kla cho biết: Người dân đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty 72 trong các cuộc họp và tiếp xúc cử tri. Theo đó, ngoài những hộ dân thôn Chư Bồ 1 phải chịu mùi hôi thối, nhiều hộ dân làng Sung Le và Sung Lung làm lúa nước ở cánh đồng Ia Bang gần khu bể chứa nước thải của nhà máy cũng bị ảnh hưởng. Nhiều năm qua, xã đều phải đứng ra giải quyết chuyện này với Công ty 72 nhưng vẫn chưa dứt điểm.
Ý kiến của ông Ksor Giao cũng được ông Trương Văn Đạt- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ xác nhận. Ông Đạt còn cho biết thêm, ngoài những kiến nghị liên quan đến nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty 72, thời gian qua, UBND huyện cũng nhiều lần nhận được ý kiến phản ánh của các hộ dân xã Ia Dơk và Ia Krêl về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do nhà máy chế biến mủ cao su Công ty 74 và Công ty 75 gây ra.
Theo biên bản kiểm tra gần nhất của Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vào cuối năm 2008, nhà máy chế biến mủ cao su Công ty 72 chưa lập các thủ tục về môi trường theo quy định. Cụ thể là nhà máy chưa có giấy phép khai thác nguồn nước mặt và nước ngầm theo quy định, chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước. Hệ thống xử lý nước thải xây dựng và vận hành không đúng thiết kế như báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt (thiếu bể cân bằng, bể trộn nhanh, lọc cylcon…). Mùi hôi còn ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh mà trực tiếp là khoảng 10 hộ dân đang sống ở khu vực nam suối Ia Bang, thượng nguồn suối Ia Pnôn. Kiểm tra nhà máy chế biến mủ cao su Công ty 75 và Công ty 72, đoàn cũng có nhận xét tương tự.
Làm việc với chúng tôi, Đại tá Chu Thế Võ- Giám đốc Công ty 72 thừa nhận có nghe ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề ô nhiễm của nhà máy chế biến mủ cao su. Theo ông Võ, thời gian qua, Công ty đã đầu tư trên 1 tỉ đồng để xây thêm một hồ chứa nước thải, cải tiến dây chuyền sản xuất, nâng cao ống khói, thay đổi hóa chất xử lý nước thải. Công ty đang cố gắng để không thải nước và khí độc ra ngoài môi trường. Hiện tại, Công ty đã xây dựng xong dự án cải tạo hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại với số tiền đầu tư từ 19 tỉ đồng đến 20 tỉ đồng và cố gắng hoàn thành trong tháng 5-2010. Khi hệ thống này đi vào hoạt động, nước thải từ nhà máy ra bên ngoài sẽ đạt tiêu chuẩn nước thải theo quy định.
Không thể phủ nhận những đóng góp của các Công ty 72, 74, 75 vào sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện Đức Cơ những năm qua, song không vì thế mà có thể thông cảm đối với việc ô nhiễm môi trường do nhà máy chế biến mủ cao su của các công ty này gây ra.
Tiến Dũng