Ở nhà cũng vui

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với phương châm này, nhiều bậc cha mẹ đã nghĩ ra những trò chơi mới lạ, vừa giúp con vận động, tránh xa các thiết bị điện tử, vừa tìm niềm vui chung cho cả gia đình trong những ngày thực hiện cách ly.
Chuỗi trò chơi vận động kết hợp với trò chơi dân gian khiến các bé rất hào hứng. Ảnh: Minh Châu
Chuỗi trò chơi vận động kết hợp với trò chơi dân gian khiến các bé rất hào hứng. Ảnh: Minh Châu
Để những ngày này không trở nên nhàm chán cho các con, anh Đinh Việt Thanh (9/17 đường Cô Bắc, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) nghĩ ra mô hình khá thú vị để các con vừa có việc làm, vừa có trò chơi trong những ngày nghỉ học. Đó là mô hình kết hợp chuỗi vận động và các trò chơi dân gian. Chỉ mất 2 ngày lên ý tưởng và cùng con bắt tay thực hiện, mô hình đã hoàn thành. Trong khoảng sân nhỏ của gia đình, anh hướng dẫn các bé vẽ các khối hình học lồng vào nhau theo chuỗi logic, một ô ăn quan khổng lồ để không chỉ chơi được trò chơi dân gian này mà có thể kết hợp trò chơi vận động trên hình vẽ, 1 đường vẽ ngoằn ngoèo bao quanh các hình vẽ trên để các bé có thể vừa chạy, vừa thực hiện dẫn bóng như các cầu thủ. Một bên là hình vẽ các bàn tay, bàn chân đan xen để chơi trò của các loài bò sát. Mô hình này nhìn khá đơn giản nhưng các bé có thể kết hợp được vô số trò chơi vận động, các trò chơi dân gian với nhau. Anh Đinh Việt Thanh không trực tiếp làm mà khéo léo hướng dẫn cho các con vẽ hình, tự tay cầm cọ tô màu lên các khối hình học để tô điểm thêm sinh động, bắt mắt. Công đoạn này khiến các bé bận rộn suốt ngày và vô cùng thích thú.
 Anh Đinh Việt Thanh cho biết mô hình này khá đơn giản, phụ huynh có thể hướng dẫn con tự làm và chơi cùng con. Ảnh: Minh Châu
Anh Đinh Việt Thanh cho biết mô hình này khá đơn giản, phụ huynh có thể hướng dẫn con tự làm và chơi cùng con. Ảnh: Minh Châu
Chia sẻ ý tưởng trò chơi kể trên, anh Đinh Việt Thanh cho biết: “Đây là mô hình tôi học hỏi ở một số nước, họ thường vẽ ở hành lang lớp học để khuyến khích học sinh vận động, phát triển kỹ năng. Sau khi tìm hiểu, tôi biến thể để phù hợp với không gian của gia đình, kết hợp những trò chơi dân gian của Việt Nam. Hình thức vận động cũng phù hợp với điều kiện và lứa tuổi các con. Với chuỗi trò chơi này, chỉ cần có thêm bóng bay và bóng đá là các con đã có các hình thức vận động khác nhau. Hơn nữa, tôi cũng cho các con làm quen với tiếng Anh khi dùng ngoại ngữ này để ghi chú, hướng dẫn trò chơi”. Mô hình thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng các con anh Thanh một bé gái 9 tuổi, bé trai 5 tuổi mê say chơi được nhiều trò kết hợp. Theo anh Thanh, mô hình này rất dễ thực hiện, phụ huynh có thể làm cho con ngay tại nhà để các bé đỡ nhàm chán trong những ngày  nghỉ học nhưng không thể ra ngoài vui chơi như hiện nay. Anh nói: “Để giúp các con tránh xa ti vi, máy vi tính, cha mẹ nên nghĩ ra trò chơi và hướng dẫn các con cùng làm, cùng chơi. Các bé rất hào hứng tham gia vào những trò chơi mới, nhất là được chơi cùng người lớn. Cha mẹ có thể lên youtube tìm hiểu thêm các trò chơi vận động, các hình thức giải trí và chơi cùng với con. Đó cũng là cách gần gũi và hiểu con hơn”.
 Hướng dẫn con làm bánh là cách bà mẹ Nguyễn Thùy Dương giúp con đỡ nhàm chán trong những ngày nghỉ học. Ảnh: Minh Châu
Hướng dẫn con làm bánh là cách bà mẹ Nguyễn Thùy Dương giúp con đỡ nhàm chán trong những ngày nghỉ học. Ảnh: Minh Châu
Ở nhà với con trong những cách ly, chị Nguyễn Thùy Dương (67 Lê Hồng Phong, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) đã nghĩ cách bày cho các con làm một số món bánh truyền thống của người miền Trung là bánh bèo và bánh gói. Cả hai cậu con trai khi nghe mẹ nói ý tưởng đều rất hào hứng. Chị chia sẻ: “Tôi chỉ việc hướng dẫn, phần việc còn lại để các con tự làm. Rất mừng là con thích thú, giành làm hết mọi việc. Cháu lớn học lớp 5 tự ra vườn cắt lá chuối, ngâm gạo, xay bột, kiếm củi… để cả nhà cùng làm bánh gói. Cháu nhỏ lớp 3 cũng tham gia làm và có thể tự tay đổ bánh bèo, thích thú khi làm ra sản phẩm và thưởng thức thành quả làm được. Vừa bày con làm bánh, tôi vừa kể lại tuổi thơ ở quê hương Quảng Ngãi để các cháu hình dung cuộc sống ở quê nội, quê ngoại. Bản thân tôi cũng xúc động nhớ về tuổi thơ qua các hoạt động của con. Tuy được nghỉ học nhưng các con lại không thể tự do thoải mái vui chơi như dịp hè nên mỗi ông bố bà mẹ đều phải cố gắng để giúp con trải qua giai đoạn này một cách vui vẻ”. 
Chị Dương cho biết thêm, thường ngày các con giành quá nhiều thời gian để xem ti vi. Chứng kiến các con vui vẻ với việc làm bánh đến quên cả những thói quen có hại hàng ngày, chị nghĩ cần tìm thêm nhiều trò mới, hoạt động phù hợp với trẻ. “Để các con, và ngay cả bản thân mình không dán chặt vào các thiết bị điện tử, tôi nghĩ đến một số việc để cả nhà cùng làm. Có thể mỗi ngày tôi sẽ bày các con làm một loại bánh truyền thống. Hết thời gian cách ly tôi có vài ý tưởng để các con có thể chơi cùng trẻ con hàng xóm những trò chơi dân gian, những môn thể thao mang tính đồng đội, leo núi… Làm gì cũng được, vận động trí óc hay tay chân cũng được, nhưng đừng làm ngơ với ngày nghỉ này của các con”-chị Dương cho hay.
Minh Châu  

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.