Nước Mỹ bắt đầu bỏ phiếu bầu tổng thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hôm qua (giờ VN), tổng cộng 3 tiểu bang của Mỹ đã tổ chức bỏ phiếu sớm theo hình thức trực tiếp, kích hoạt cuộc chạy nước rút kéo dài 6 tuần trước khi đến ngày toàn quốc đi bầu.

Cử tri tại các bang Minnesota, Nam Dakota và Virginia là những người may mắn được bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử chính thức là 5.11. Khoảng 12 tiểu bang khác sẽ nối tiếp vào giữa tháng 10, theo trang Axios.

Dân Mỹ đang chuộng bỏ phiếu sớm

Trong nhóm 3 bang, Virginia là tiểu bang đầu tiên của Mỹ cho phép cử tri bỏ phiếu sớm theo hình thức trực tiếp. Thời gian bỏ phiếu sớm sẽ kéo dài đến ngày 2.11. Đài ABC News dẫn dữ liệu của Cơ quan Bầu cử Virginia ghi nhận hơn 1.796.000 cử tri đã bỏ phiếu sớm ở bang này trong năm 2020, chiếm 40% trong tổng số phiếu của mùa bầu cử năm đó. Thêm 962.877 cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện.

Cử tri đi bỏ phiếu sớm ở TP.Arlington (bang Virginia) hôm 21.9 (giờ VN)

Cử tri đi bỏ phiếu sớm ở TP.Arlington (bang Virginia) hôm 21.9 (giờ VN)

Cùng ngày, Minnesota và Nam Dakota nằm trong số 23 tiểu bang cho phép cử tri nộp phiếu bầu vắng mặt trực tiếp tại một cơ sở bầu cử hoặc địa chỉ được chỉ định thay vì gửi phiếu qua đường bưu điện. Trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất, hơn 1,9 triệu cử tri ở bang Minnesota bỏ phiếu bằng hình thức vắng mặt, chiếm 57% trong tổng số phiếu bầu năm 2020. Còn ở Nam Dakota, khoảng 83.000 cử tri bỏ phiếu bầu vắng mặt theo hình thức trực tiếp ở những cơ quan bầu cử được chỉ định trong năm 2020.

Còn các bang Idaho, Maryland, New York và Tây Virginia đều phải thực hiện việc gửi phiếu bầu vắng mặt cho tất cả cử tri yêu cầu trễ nhất là vào ngày 20.9 (giờ địa phương). Hạn chót của các bang Delaware, Indiana, New Jersey và Tennessee là hôm 21.9. Đây cũng là ngày một số hạt của bang Oklahoma có thể bắt đầu gửi phiếu bầu.

Giới chuyên gia dự kiến sẽ có nhiều cử tri bầu cử sớm, do hình thức này đang ngày càng được dân Mỹ ưa chuộng. Trong mùa bầu cử năm 2020, hơn 69% số cử tri trên toàn quốc bỏ phiếu bầu qua đường bưu điện hoặc bỏ phiếu sớm trực tiếp, theo dữ liệu do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thu thập. Số liệu năm 2016 là 40% và năm 2012 là 33%.

Khả năng Harris - Trump "tái đấu" trên truyền hình

Hôm qua (giờ VN), Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, cho biết đang tìm cách sắp xếp cuộc tranh luận trên truyền hình với ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump.

"Tôi đang cố gắng có thêm một cuộc tranh luận qua truyền hình. Chúng ta chờ xem", Reuters dẫn lời bà Harris phát biểu tại cuộc mít tinh ở TP.Atlanta (bang Georgia).

Bà Harris và ông Trump lần đầu đối mặt trên sóng truyền hình quốc gia ngày 10.9, trong một cuộc tranh luận mà theo nhiều người cho rằng phần thắng thuộc về ứng viên đảng Dân chủ. Trong khi đó, ông Trump tuần trước khẳng định sẽ không tham gia một cuộc tranh luận nữa với bà Harris trước ngày bầu cử 5.11.

Cùng ngày, tờ The Washington Post dẫn số liệu của Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC) cho thấy chiến dịch tranh cử của bà Harris trong tháng 8 gây quỹ hơn gấp 3 lần so với chiến dịch của ông Trump. Số tiền thu về của phe Dân chủ là 257 triệu USD so với 85 triệu USD của phía Cộng hòa. Cũng trong tháng 8, chiến dịch của bà Harris chi 174 triệu USD cho các hoạt động tranh cử, cao gần gấp 3 so với con số 61 triệu USD của chiến dịch ông Trump.

Cạnh tranh căng thẳng

Trong chưa đầy 45 ngày đến ngày bầu cử 5.11, cuộc khảo sát mới của The New York Times/Đại học Siena cho thấy 2 ứng viên lưỡng đảng đang so kè nhau kịch liệt trên đường đua. Tỷ lệ cử tri tiềm năng ủng hộ bà Harris và ông Trump đều ở mức 47%. Kết quả này đánh dấu sự đổi chiều nhẹ so với cuộc khảo sát thực hiện hồi đầu tháng 9, lúc đó ông Trump dẫn trước bà Harris 2 điểm, theo Đài CNN. Cuộc khảo sát mới nhất cũng ghi nhận bà Harris cải thiện ưu thế dẫn đầu trong số các cử tri trẻ tuổi và người Mỹ da trắng, tốt nghiệp đại học.

Một cuộc khảo sát khác do Đại học Quinnipiac thực hiện ở 2 bang chiến địa ở Pennsylvania, Michigan cho thấy bà Harris đang dẫn trước, nhưng ông Trump vẫn còn cơ hội đảo chiều cục diện. Còn tình hình ở bang chiến địa Wisconsin vẫn đang trong thế giằng co.

Theo Thụy Miên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

(GLO)- Lâu nay, hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc và thả rác thải của Triều Tiên gây nên mâu thuẫn và căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên mới đây, đến lượt Triều Tiên tố Hàn Quốc sử dụng truyền đơn và đồ dùng mà Bình Nhưỡng gọi là rác rưởi sang lãnh thổ của mình với mục đích chống phá.

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".