Nữ giáo viên người Jrai tâm huyết với sự nghiệp "trồng người"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tích cực trong giảng dạy, đi đầu trong các phong trào thi đua, hòa đồng với đồng nghiệp và luôn gần gũi, yêu thương học trò... là những phẩm chất đáng quý của cô giáo Kpă Hkuk công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh).

 Lúc nhàn rỗi, cô giáo Hkuk chỉ cho các em tập viết, tập đọc. Ảnh: H.T
Lúc nhàn rỗi, cô giáo Hkuk chỉ cho các em tập viết, tập đọc. Ảnh: H.T

Sinh ra và lớn lên tại làng Plei Djiêk (thị trấn Nhơn Hòa), ngay từ nhỏ, Kpă Hkuk đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Ước mơ ấy đã trở thành động lực thôi thúc cô không ngừng cố gắng trong học tập. Năm 1990, Hkuk trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Tốt nghiệp, cô về công tác tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Năm 2003, cô về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho đến nay.

Trong căn nhà nhỏ treo nhiều bằng khen, giấy khen, cô Hkuk kể cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm trong hơn 30 năm cầm phấn đứng trên bục giảng. Trong khoảng thời gian đó, có tới 20 năm cô dạy học ở các điểm trường làng. Mặc dù các điểm trường nằm trên địa bàn thị trấn nhưng có trên 99% học sinh là người dân tộc thiểu số. Các em hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đường đi lại khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của học sinh. Những giáo viên bám làng như cô luôn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô đã vượt qua mọi khó khăn để đem con chữ đến với các em.

Không ngại khó khăn, cứ đầu năm học, cô cùng Ban Giám hiệu nhà trường, hội cha mẹ học sinh phối hợp với trưởng các thôn, làng đi đến từng nhà giải thích, vận động để phụ huynh cho con em đến lớp. Cô còn cần mẫn lên tận rẫy để động viên những học sinh bỏ học trở lại trường. Cô Hkuk tâm sự: “Kết quả học tập phụ thuộc rất nhiều vào sự chuyên cần của các em. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để các em không vì cách trở, nghèo khó mà bỏ dở ước mơ học tập”.  

Không chỉ làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp, cô Hkuk còn chủ động tìm tòi các phương pháp giảng dạy dễ hiểu nhất để giúp các em tiếp thu bài. Đặc biệt, nhận thấy đa phần học sinh dân tộc thiểu số không sõi tiếng Việt, cô Hkuk đã mạnh dạn đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức dạy thêm tiếng Việt cho các em. Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, cô bồi dưỡng vốn tiếng Việt cho các em học yếu. Cô còn trao đổi kinh nghiệm, dạy kỹ năng sống từ cách nói năng, đi đứng, chào hỏi giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống.

Những nỗ lực của cô Hkuk đã được đền đáp xứng đáng khi tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần ở các lớp do cô chủ nhiệm năm nào cũng đạt 99%. Dưới sự dìu dắt của cô, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành và gặt hái được nhiều thành tích cao trong học tập, có người đã trở thành cán bộ nhà nước như Kpă HLin-giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen (xã Ia Blứ); Kpă Thìn-nhân viên Ban Quản lý Công trình đô thị và Vệ sinh môi trường huyện Chư Pưh… Với những thành tích trong công tác, cô được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, “Phụ nữ hai giỏi”…

Thầy Trịnh Mạnh Thắng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai nhận xét: “Cô Kpă Hkuk là một giáo viên tâm huyết với nghề. Chính sự nhiệt huyết, tận tâm trong công tác của cô đã góp phần không nhỏ giúp nhà trường làm tốt công tác duy trì sĩ số cũng như nâng cao chất lượng giáo dục. Thêm nữa, cô còn là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện”.

 Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.