Nóng trên mạng xã hội: Đoàn tụ gia đình sau 25 năm thất lạc nhờ... Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai ngày qua, câu chuyện người phụ nữ Hà Nội được đoàn tụ với gia đình sau 25 năm lưu lạc, tha hương nơi đất khách Trung Quốc được cư dân mạng mạnh tay chia sẻ vì sự kỳ diệu mang đến cuộc đoàn viên khó tin này.
 

 

 Gia đình lên đón bà Huệ tại khu cách ly - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Gia đình lên đón bà Huệ tại khu cách ly - Ảnh: Bệnh viện cung cấp


Bỗng dưng mất tích

Hôm 19.7, ngôi nhà nhỏ của cụ Nguyễn Thị Niên (97 tuổi, ở P.Thanh Lương, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) đông đúc, rộn tiếng nói hơn khi bà Trần Thị Huệ (58 tuổi, con gái cụ Niên) bất ngờ về nhà đoàn tụ sau hơn 25 năm mất tích. Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Niên vẫn nhớ như in hình ảnh đứa con gái ngây ngô của mình dù đã xa cách 25 năm và cụ tưởng chừng đã mất con.

Theo cụ Niên, con gái cụ không được nhanh nhẹn, hơi chậm, trí nhớ kém và không có khả năng tự vệ nên công việc không ổn định, hằng ngày đi bán rau ở chợ kiếm sống. Sau đó, bà Huệ dọn sang sống như vợ chồng với một người đàn ông, nhưng gia đình cụ không đồng ý cho cưới vì người này sống không ổn định. Kể từ thời điểm đó, bà Huệ đi đâu, làm gì gia đình không ai biết rõ, dù thỉnh thoảng bà vẫn về thăm bố mẹ.

Ngày 15.9.1995, cụ Niên vẫn thấy con gái bán rau ở chợ, nhưng nhiều ngày sau đó không thấy về thăm nhà. Tìm hỏi khắp nơi không có tung tích, gia đình cụ Niên đã báo chính quyền, đồng thời mang ảnh bà Huệ đi khắp nơi tìm kiếm.

“Hồi đó không có điện thoại, tìm khắp nơi mấy năm ròng không thấy nên cũng nản”, cụ Niên kể. “Thời gian sau, nhà đông con, cháu thì mắc nhiều bệnh… nên suốt ngày đi viện, vì thế việc tìm kiếm em gái cũng giảm dần, chỉ biết phó mặc cho số phận”, ông Trần Thế Nguyên, anh bà Huệ, kể thêm.

Tin vui bất ngờ từ khu cách ly Covid-19

Ngày 3.7, bà Huệ được Công an tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trả về VN và được cách ly, theo dõi phòng dịch Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Theo lãnh đạo bệnh viện, thời điểm tiếp nhận, bà Huệ có dấu hiệu rối loạn tâm thần, thường xuyên bị kích động, đập phá đồ đạc… Sau khi được chăm sóc, điều trị, bà Huệ dần ổn định tâm lý, chịu nói chuyện và tiếp xúc với các bác sĩ.

“Khi bình tĩnh, các bác sĩ bất ngờ khai thác được địa chỉ gia đình của bà Huệ và đã liên hệ với chính quyền để xác minh, sau đó gọi người thân đến đón bà Huệ về khi đã hoàn thành cách ly. Thời điểm người nhà lên đón, bà Huệ đã nhận ra từng người trong tấm ảnh gia đình đã cũ mà em trai bà Huệ mang theo”, vị lãnh đạo nói.


 

 Bà Trần Thị Huệ - Ảnh: Dương Lan
Bà Trần Thị Huệ - Ảnh: Dương Lan


Trực tiếp lên đón chị gái, bà Trần Minh Hà (52 tuổi) cho biết hơn tuần trước, cán bộ phường xuống gặp cụ Niên để xác nhận lý lịch của bà Huệ, đồng thời lấy lời kể để đối chiếu với lời của bà Huệ thì gia đình mới biết chừng ấy năm bà Huệ còn sống và lưu lạc tận Trung Quốc.

“Tuy chị Huệ không có giấy tờ tùy thân nhưng chị ấy vẫn nhớ, kể đúng tên tuổi của bố mẹ tôi. Thấy khớp lời khai, các cán bộ đưa ảnh chị Huệ cho mẹ tôi xem và hẹn lên đón chị về sau khi hoàn thành cách ly. Biết tin chị còn sống và sắp được về nhà, ai cũng vui mừng”, bà Hà nói.

Ngày 17.7, bà Hà cùng chồng và ông Nguyên lên Lạng Sơn đón bà Huệ về đoàn tụ. “Sau 2 ngày về với gia đình, chị Huệ cũng đã bình thường nhưng ít nói, hỏi thì đa số chị chỉ gật đầu và trả lời “có, không”. Hỏi chị đi lạc thế nào cũng lắc đầu không biết. Khổ thân chị, ở bên Trung Quốc chị ở cùng một người đàn ông làm nông và không có con cái. Hằng ngày, ông ấy đi làm, còn chị ở nhà nội trợ nên không tiếp xúc với ai nên nói tiếng Việt hơi ngượng, quên nhiều. Cũng may ông này tốt chứ gặp người xấu chắc chị tôi không sống được”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, trước mắt sẽ để bà Huệ ở cùng mẹ, chờ ổn định lại tinh thần. Sau đó, gia đình sẽ nhờ các tổ chức xã hội, phụ nữ tạo công ăn việc làm cho bà Huệ có thêm thu nhập và cũng để bà hòa nhập cuộc sống sau bao năm lưu lạc.


 

 


Theo Trần Cường (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.