Nông nghiệp Lâm Đồng đang trở nên "thông minh" hơn thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Được xem là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng khoa học, công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, việc trồng trọt ở Lâm Đồng vẫn có những cải tiến để trở nên “thông minh” hơn, ngay cả khi không áp dụng công nghệ hiện đại. 
Những khu vườn… vắng bóng nông dân
Đến những khu vườn CNC ở Lâm Đồng, người ta thường hiếm gặp cảnh nông dân làm việc, hoặc có thì cũng rất ít. Không phải người nông dân không còn mặn mà với ruộng vườn, mà bởi máy móc, phần mềm đã thay họ làm bớt những việc này.
Là một trong những đơn vị sản xuất nông nghiệp CNC đầu tiên ở Lâm Đồng, công ty TNHH Đà Lạt G.A.P có 32ha đất sản xuất nông nghiệp với hơn một nửa trong số đó được ứng dụng CNC, sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P. Những vườn rau được trang bị hệ thống nhà kính hiện đại với hệ thống châm phân, tưới nước hoàn toàn tự động.
Ông Lê Văn Cường – Giám đốc công ty cho biết, nếu như 1ha đất canh tác theo kiểu thông thường sẽ mất từ 8-10 nhân công thì 1ha nông nghiệp CNC chỉ mất 4-5 người làm việc, tiết kiệm được 1 nửa chi phí lao động. 
 
 Ở nông trại CNC, người nông dân không còn phải chân lấm tay bùn, một nắng hai sương.
Ở nông trại CNC, người nông dân không còn phải chân lấm tay bùn, một nắng hai sương.
Ở những khu vườn CNC, nông dân chỉ phải làm 2 việc trồng và thu hoạch. Tất cả các khâu từ tưới nước, chăm bón, điều hoà nhiệt độ, độ ẩm… đã có máy móc và phần mềm xử lý hoàn toàn tự động, đong đếm liều lượng chính xác đến từng li.
Ông Cường chia sẻ: “Chỉ tính riêng việc tưới nước, mỗi ngày phải tưới đủ 16 lần, mỗi lần 6 phút. Nếu làm theo kiểu truyền thống, thì nhân công nào tưới cho xuể 16 lần cho 17ha trong 1 ngày. Mà nếu có đi nữa thì không chỉ tốn nhân lực mà lượng nước tưới cũng hao hụt rất nhiều.”         
Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, hiện diện tích nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đạt 63.108 ha, tăng 1.700ha so với năm trước, tương ứng với 21% tổng diện tích canh tác. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh đạt 190,9 triệu đồng/ha/năm, bằng 1,85 lần cả nước và năng suất lao động nông nghiệp đạt 61,9 triệu đồng/người/năm, bằng 1,17 lần so với bình quân cả nước.
 
 Nhờ công nghệ hỗ trợ, người nông dân không cần phải ra tận vườn mới chăm sóc được cây trồng.
Nhờ công nghệ hỗ trợ, người nông dân không cần phải ra tận vườn mới chăm sóc được cây trồng.
Thành phố Đà Lạt là địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân như Dalat Hasfarm, làng hoa Vạn Thành… đã tiếp cận, mạnh dạn đầu tư các hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây và ghi lại nhật ký sản xuất chi tiết qua một phần mềm quản lý dành riêng cho nông trại. 
Nay, công nghệ cũng hiện diện trong cả khâu tiêu thụ bằng cách tận dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... để chào bán. Nông sản được chuyển thẳng đến người tiêu dùng dễ dàng mà không phải trải qua nhiều khâu trung gian nữa. Nhờ công nghệ kiểm soát tốt tất cả các khâu, ngày càng nhiều nông sản Lâm Đồng đạt chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ…
Người nông dân thông minh
Vậy nên, đã qua rồi cái thời mà người nông dân phải “trông trời, trông đất, trông mây…” để trồng cấy. Họ càng không còn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ở những trang trại thông minh của Lâm Đồng, những người nông dân có thể chỉ cần ngồi trong phòng, theo dõi và quản lý khu vườn của mình qua máy tính, điện thoại…
Thế nhưng, một “nông dân thông minh” thì không chỉ biết ứng dụng khoa học công nghệ. Thậm chí, họ có thể còn chẳng cần một thiết bị hiện đại nào. Với một nền nông nghiệp thông minh, trong những trang trại thông minh, người nông dân thông minh là người làm chủ được tất cả.
Ông Huỳnh Trung Quân (Hiệp Thạnh, Đức Trọng) bắt đầu làm nông với vốn kinh nghiệm ít ỏi được truyền lại từ gia đình. Mỗi ngày ông đều không ngừng tìm tòi, học hỏi các kiến thức mới để cải tiến kỹ thuật canh tác của mình. 
Đặc biệt, ông còn năng động kết nối với doanh nghiệp nước ngoài để được chuyển giao công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, tự sản xuất cây giống cho vườn nhà và cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn. 
 
Hiện Lâm Đồng có khoảng 43 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, tạo ra nguồn cây giống tốt, khoẻ, sạch bệnh.
Hiện Lâm Đồng có khoảng 43 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, tạo ra nguồn cây giống tốt, khoẻ, sạch bệnh.
Bên cạnh đó, ông Quân còn tìm tòi, sáng tạo các kỹ thuật chế biến sâu để đa dạng hoá sản phẩm, tăng cơ hội đầu ra. Các sản phẩm rượu vang, mứt, nước cốt, mật, trà... từ phúc bồn tử của công ty ông đều đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, được dán nhãn mác và có mã QR để truy xuất nguồn gốc cho từng lô hàng.
Song, bên cạnh nông nghiệp CNC, ông Quân đang dự kiến dỡ bỏ bớt nhà kính và quay trở lại với lối sản xuất thuần tự nhiên. “Suy cho cùng, làm kiểu gì thì quan trọng vẫn là giá trị thu về. Người thông minh sẽ tính theo lợi nhuận cuối trên một đơn vị diện tích chứ không tính theo sản lượng. Nông nghiệp hữu cơ có thể năng suất không cao bằng nhưng giá bán tốt hơn thì tổng lợi nhuận vẫn cao hơn." - Ông Quân chia sẻ.  
Sự thật là người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm lành, sạch, tốt cho sức khoẻ. Hiểu được giá trị đó để làm chủ hướng đi của mình, người nông dân sẽ chẳng thua kém bất kỳ công nghệ tiên tiến nào.
Theo Phương Nhiên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.